Trên những phím đàn piano

Biết đến piano thực sự là một đặc ân mà mình có được. Đó không chỉ là một quá trình học nhạc và chơi nhạc. Những phím đàn piano đã “dạy” cho mình nhiều điều khi mình đã đi qua tuổi 40. Đó là quá trình cả cô và trò cùng “vật lộn” với nhau để tìm ra mấu chốt để trò tìm được cảm giác cần phải có cho những tiếp xúc ngón tay và phím đàn, giải phóng trò khỏi những giới hạn.

Những phím đàn có nặng không? Rất nặng. Nếu ngón tay không đủ lực thì không thể đạt tới âm thanh cần phải có. Nhưng cái lực ấy không phải là lực vật lý “gồng lên” để bổ ngón tay xuống khiến cho nó trở thành âm thanh chói tai. Mà đó là sức nặng của năng lượng, của sự chắc chắn, tự tin từ cơ thể, đến cánh tay, đến bàn tay và đến từng ngón tay. Tất cả đồng nhất để cho ngón tay tự do rơi xuống phím đàn. Không biết bao nhiêu tiết học và giờ luyện, chỉ để cảm nhận được sức nặng đó.

Phím đàn có nhẹ không? Nhẹ vô cùng. Đó là khi có được “sức nặng” cần thiết, thì lạ lùng thay, ngón tay cứ chỉ việc rơi xuống, như chiếc lá chạm vào phím đàn (như lời của cô giáo), mà âm thanh vô cùng đẹp đẽ lại có thể vang lên.

“Hãy để cho cánh tay rơi xuống, đừng khống chế nó!” Cô giáo vẫn bảo vậy. Nhưng nỗi sợ rằng ngón tay không rơi đúng phím đúng nốt nhạc làm mình vẫn cứ gồng lên và khống chế nó, cho đến khi, nó được thả lỏng, cánh tay giơ lên và nó rơi đúng nốt nhạc, không thể sai một li. Như một sự giải thoát, giải thoát toàn bộ cơ thể khỏi trạng thái gồng lên để đạt được điều mình mong muốn.

Có một câu chuyện bên lề lớp học piano, một bạn học trò bé tâm sự với cô giáo: “Ơ, tự dưng con thấy chơi game cũng dễ hơn hẳn, con không còn cầm ghì bộ điều khiển game như mọi khi mà thấy nó nhẹ bẫng.”

 Khi được “giải thoát”, đó là khi mình bắt đầu hiểu hơn về cảm xúc của âm nhạc. Trước kia, mình cứ nghĩ rằng để thể hiện nỗi buồn, thì người chơi phải “quằn quại”, phải “gằn”. Nhưng thực ra, nỗi buồn thực sự nó có vẻ đẹp riêng của nó.  Trong bài giảng về tác phẩm “Prelude in E minor” của Chopin - được coi là “Bài giảng piano mà ai cũng nên xem” của thầy Seymour Bernstein - Seymour nói về hai nốt Đô (C) và nốt Si (và B) để thể hiện tiếng khóc trong lòng (tác phẩm Prelude in E minor là tác phẩm Chopin tự chọn để chơi trong chính lễ tang của ông). Seymour nói: “Nếu âm thanh không kết nối với cảm xúc tự nhiên của con người thì nó không có ý nghĩa gì cả”. Mà cảm xúc tự nhiên của con người thì nào phải “quằn quại” mới là nỗi buồn?

 Có lẽ với những nghệ sĩ chuyên nghiệp và tiếp cận với âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung từ sớm, những điều này là đương nhiên. Nhưng với người như mình, thì nó mang lại những khám phá cho mọi thứ trong cuộc sống. Một ví dụ, mình luôn sợ rằng không đủ thời gian để ngón tay chuyển từ nốt nọ sang nốt kia, nhất là ở những quãng cách nốt. Nỗi sợ đó khiến mình chưa xong nốt này đã nghĩ đến nốt kia và ngón tay cứ dương hết cả lên để chờ chuyển nốt. Căng cứng, vội vã, và vấp váp. Mình không biết rằng, khi các nhạc sĩ soạn lên bản nhạc, họ không muốn “làm khó” người chơi như vậy. Trong trường đoạn nào, dù nốt nhạc chi chít đến mấy, người chơi nhạc vẫn có đủ thời gian để thở, để thả lỏng và để ngón tay chắc chắn với từng nốt nhạc trước khi chuyển sang nốt tiếp theo, không nốt nào bị bỏ qua hay bị vấp, và cả trường đoạn vẫn được thể hiện một cách mượt mà.

 Để tạm dừng cho những ghi chép này, mình giới thiệu bài giảng của Seymour Bernstein. Nó hơn cả là một bài giảng về piano. Mình vẫn xem đi xem lại bài giảng này không biết bao nhiêu lần. Câu kết trong bài giảng của Seymour là “hãy đưa những gì bạn học được từ chiếc đàn piano vào cuộc sống của mình.”

https://youtu.be/pRLBBJLX-dQ

Previous
Previous

Bằng chính đôi bàn tay của bạn

Next
Next

Improvision 31 (Trận chiến trên biển) của Wassily Kandinsky, hay phiên bản màu sắc của  Bản Concerto Số 2  của Sergei Rachmaninoff