Bằng chính đôi bàn tay của bạn

(Dịch từ bản tiếng Anh cuốn sách “With Your Own Two Hands” của tác giả, nghệ sỹ, thày giáo piano Seymour Bernstein.)

Lời nói đầu  

Nếu bạn chơi một nhạc cụ hoặc hát, chắc chắn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng những trải nghiệm trong cuộc sống có ảnh hưởng lớn đến cách bạn luyện tập. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ tới điều ngược lại: rằng những kỹ năng đạt được từ việc luyện tập - đó là, khả năng sàng lọc và kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ và phản ứng cơ thể của bạn - cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn?

Việc đồng ý với suy nghĩ này phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận tài năng của mình và tài năng đó có vị trí như thế nào trong cuộc đời bạn. Ví dụ, nếu bạn tin rằng bạn và tài năng của bạn là một, nếu bạn có thể nói với niềm tin hoàn toàn, “Tôi chính là tài năng của tôi”, thì có thể từ đó suy ra rằng sự tổng hợp của cảm giác, suy nghĩ và sự phối hợp cơ thể mà bạn trải nghiệm từ việc luyện tập có thể ảnh hưởng một cách tự nhiên tới mọi việc bạn làm ngoài âm nhạc. Vì hầu như mọi hoạt động trong cuộc sống đều liên quan đến cảm xúc, suy nghĩ và chuyển động cơ thể theo nhiều cách kết hợp khác nhau, nên cho rằng sự kết hợp mãnh liệt của ba chức năng này đạt được trong âm nhạc cũng có thể được chuyển hướng sang các kênh khác, từ đó củng cố cho bạn mọi nhu cầu của cuộc sống, là một điều rất hợp lý. Nói cách khác, thông qua một quá trình luyện tập có tổ chức và nhất quán, bạn có thể hài hòa mọi suy nghĩ, cảm nhận và hành động của mình.

 Cuốn sách này sẽ hướng dẫn cách thực hành để đạt được mục đích đó. Việc thực hành bắt đầu bằng việc nhận ra tài năng cá nhân của bạn - bất kể tuổi tác hay mức độ thành tích của bạn - và khuyến khích sự nỗ lực luyện tập để có thể dẫn đến khả năng tự làm chủ bản thân. Một khi được thúc đẩy bởi tình yêu âm nhạc và hiểu biết rõ ràng về lý do luyện tập, bạn có thể thiết lập sự hòa hợp sâu sắc giữa bản thân âm nhạc và bản thân cá nhân mình đến mức cuối cùng âm nhạc và cuộc sống sẽ tương tác với nhau trong một dòng chảy thỏa mãn không bao giờ kết thúc. Vì tất cả những điều này đều được thực hiện bằng chính đôi tay của bạn, nên tôi mời bạn hãy cùng luyện đàn với tôi.

 Lời cảm ơn

 Trong suốt quá trình viết cuốn sách này, tôi đã nhận được sự khích lệ từ tất cả mọi người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các học trò của tôi. Từ việc ủng hộ niềm tin của tôi rằng việc luyện tập âm nhạc có thể tác động đến cuộc sống của mỗi người, mọi người đã khuyến khích tôi nỗ lực hết sức để hoàn thành cuốn sách này. Mọi người không chỉ muốn biết những điều mà tôi tin là nguyên tắc cơ bản của việc giảng dạy âm nhạc, mà họ còn quan tâm đến việc cuốn sách của tôi có thành công hay không, và họ bày tỏ sự quan tâm bằng cách dành cho tôi thời gian và tài năng của họ.

Tôi đặc biệt biết ơn Ngài Clifford Curzon, người thầy của tôi, người mà nghệ thuật của ông, cho đến tận bây giờ, vẫn là hình mẫu để tôi hướng tới trong quá trình luyện tập và giảng dạy của mình; tôi biết ơn David M. Clay, người đã giữ tôi trên con đường đến “Minsk,” trong khi suýt nữa tôi chuyển hướng đến “Omsk”; tới Christopher Lewis, người không chỉ đánh máy hai bản thảo mà còn đưa ra những nhận xét mang tính xây dựng trong quá trình thực hiện - tất cả đều được thực hiện với cùng một hương vị tinh tế thể hiện tính nghệ thuật của ông; tới Tiến sĩ Thomas Darson, nghệ sĩ piano, giáo viên và nhà âm nhạc học xuất sắc vì những đóng góp chuyên môn của ông về các câu hỏi kỹ thuật và lịch sử; tới Robert Levin, nhạc sĩ xuất sắc, người đã “hài hòa” hoá Đề cương ghi nhớ âm nhạc; và Sheila Aldendorff, một trong những giáo viên giỏi nhất mà tôi biết, người đã nhiệt tình và đưa ra những gợi ý hữu ích đã truyền cảm hứng cho những nỗ lực tốt nhất của tôi.

 Tôi cũng nhận được sự giúp đỡ lớn lao từ: Marin Alsop, Simone Belsky, Tiến sĩ Helen Boigon, Giáo sư George Bozzini, Oliver Brittain, Carolyn Bross, Tiến sĩ Andre Dupuis, Giáo sư Lillian Feder, Claude Frank, Felix Galimir, Maxine Giannini, Richard Goode, Lynn Grasberg, Irene Rosenberg Grau, Liora Hendel, Margaret Howard, Tiến sĩ Michael Jacobs, Natalie Jaffe, Yi Yin Huang, Denise Kahn, Michael Kimmelman, Seth Kimmelman, Ernest Levenstein, Giáo sư Samuel Levin, Giáo sĩ Z. David Levy, Tiến sĩ . Owen Lewis, Stephen Mayer, Mark Preston, Robert Resnikoff, David Rissenberg, Giáo sư William E. Rutherford, Richard Shirk, Joseph Smith, Rosalie Sutherland Stump, Alexander Tcherepnin, Tiến sĩ Baylis Thomas, Eleanor Thornblade, Harriet Wingreen, Eve Wolf, Elizabeth Wolff và Mitchell Zeidwig.

 Cuốn sách này không thể ra đời nếu không có sự giúp đỡ của người bạn, người cố vấn và học trò của tôi, Flora Levin. Là một học giả âm nhạc cổ điển và là một sinh viên tận tụy với âm nhạc, Flora đã kiên nhẫn hướng dẫn tôi viết lách với sự nhạy cảm xuất phát từ sự yêu thích ngôn ngữ của cô ấy. Khi tôi dạy nhạc cho Flora, chúng tôi vừa trở thành học trò, vừa là thầy của nhau. Sự tương tác giữa cho và nhận, sự phấn đấu chung của chúng tôi hướng tới một mục tiêu chung, và cuối cùng, sự hài lòng mà chúng tôi có được từ những tiến bộ nhỏ nhất trong nỗ lực của mình, tất cả đều liên quan rất thực tế đến luận điểm của cuốn sách này. Chắc chắn, sự tận tâm của Flora trong việc thực hành và nhận thức sâu sắc của cô ấy về những tác động hài hòa của nó đối với nhân cách đã hỗ trợ cho lý thuyết của tôi về chủ đề này. Ngoài việc chỉnh sửa bản thảo của tôi, Flora thường xen vào những nhận xét sáng suốt của riêng mình, nhiều ý kiến trong số đó đã được đưa vào bản sao cuối cùng. Luôn nhạy cảm với suy nghĩ của tôi và không khoan nhượng với các tiêu chuẩn của mình, Flora tiếp cận dự án này đúng như cách cô ấy thực hành - với tính nghệ thuật, sự kỹ lưỡng và nhiệt tình. Do đó, sẽ không quá lời khi nói rằng tâm trí của Flora Levin thấm sâu vào từng trang của cuốn sách này.

1 Tại sao bạn luyện tập?

Tôi từng có một học trò tuổi thiếu niên, rất tài năng nhưng luôn tranh luận phản ứng bất kể tôi đưa ra ý kiến gì. Tôi có thể cảm nhận được phản ứng của em xuất phát từ cảm giác tội lỗi vì không hoàn thành bài tập được giao, một mặt tôi kiên nhẫn thấu hiểu sự ương bướng của em, mặt khác tôi cố gắng hết sức để động viên em luyện tập. Tuy nhiên, có một thời điểm trong một buổi học đặc biệt gây tranh cãi, tôi cho rằng vấn đề đã đi quá xa, và em cần có sự đánh giá xác đáng về hành vi của mình. Khi tôi chỉ ra rằng thái độ của cô ấy thực sự thể hiện sự thiếu kỷ luật khi chơi piano, em trừng mắt nhìn tôi với vẻ cố chấp thường lệ và kêu lên, “Em không đến đây để được phân tích tâm lý. Đáng lẽ thầy phải dạy piano cho em chứ!”. Tôi hỏi em: “Điều gì khiến em nghĩ rằng tôi chỉ quan tâm đến việc dạy piano cho em? Em có nghĩ rằng tôi sẽ tách em - một con người - ra khỏi tài năng âm nhạc của em không? Theo tôi, một giáo viên phải tạo ảnh hưởng đến những phẩm chất nhân văn trong học trò của mình, và đối với em, tôi ý định đạt được mục đích này bằng cách phát triển kỹ năng chơi piano của em.” Với suy nghĩ rằng tôi có thể quan tâm đến em với tư cách là một con người tách rời tài năng của em, em đã phải im lặng. Đó là một bước ngoặt không chỉ trong cuộc đời em học trò đó, mà còn với chính tôi nữa. Đó là lần đầu tiên tôi nói rõ với một học trò điều mà trước đây tôi chỉ cảm nhận được - rằng việc luyện tập có thể ảnh hưởng đến con người cũng như người chơi nhạc. Khi học trò của tôi nhận ra rằng tôi quan tâm đến em nhiều như tôi quan tâm đến sự tiến bộ về âm nhạc của em, thái độ của em đã thay đổi rõ rệt. Các giờ học của em đã trở thành chuẩn mực, tôi và em thường xuyên trao đổi với nhau các ý tưởng và cảm xúc của mình. Dần dần chúng tôi xây dựng được mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và tình cảm lẫn nhau.

Tất nhiên, không có gì có thể thoả mãn hơn việc chạm đến bản chất tốt nhất của một ai đó thông qua việc giảng dạy. Nhưng trải nghiệm thành công của tôi với học trò đặc biệt này có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều đối với tôi - điều đó đã ảnh hưởng đến cách tiếp cận giảng dạy của tôi kể từ thời điểm đó. Tôi nhận ra rằng chính tài năng của chúng ta đã mang lại cho chúng ta cá tính và bản sắc đặc biệt. Trên thực tế, tài năng tiết lộ chúng ta thực sự là ai. Do đó, tôi lập luận rằng một người càng phát triển tài năng của mình một cách đầy đủ thì người đó càng phải có sức mạnh lớn hơn trong tất cả các khía cạnh khác của cuộc sống. Đối với tôi, đây dường như là mục đích thực sự của việc học âm nhạc - để kết nối chính chúng ta bằng những năng khiếu đặc biệt của mình theo cách cái này có thể tiếp thêm sức mạnh cho cái kia. Chính suy nghĩ này đã đưa tôi đến một khám phá rất quan trọng: việc luyện tập và biểu diễn âm nhạc có thể thúc đẩy sự tự hòa hợp. Trong những trang tiếp theo, tôi cố gắng giải thích tại sao lại như vậy và làm thế nào để đạt được điều này.

TÔI LÀ AI?

Thời sinh viên, thỉnh thoảng tôi cảm nhận được rằng việc luyện tập có ảnh hưởng nào đó đến toàn bộ cuộc đời tôi. Nhưng vì tôi không hiểu rằng có mối liên hệ giữa cảm xúc của tôi khi chơi đàn và cảm xúc của tôi khi rời khỏi đàn nên tôi không thể sử dụng trực giác này một cách có ý thức. Tuy nhiên, vào khoảng mười lăm tuổi, tôi biết chắc chắn rằng khi buổi tập đàn diễn ra tốt đẹp, tôi rời cây đàn piano với một cảm giác sảng khoái đọng lại trong tôi suốt cả ngày. Kết quả là tôi trở thành một đứa con ngoan hơn, một người bạn tốt hơn và một học sinh giỏi hơn ở trường. Mặt khác, khi tôi bối rối và chơi đàn piano không hiệu quả, mọi việc khác tôi làm đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Tôi suy nghĩ xem điều gì trong việc luyện tập có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của tôi đến vậy.

Tôi nhớ mình đã tìm thấy cây đàn piano như một nơi ẩn náu khỏi những cảm xúc lộn xộn nảy sinh từ những mối quan hệ xã hội. Về cơ bản, tôi xem mình đang đóng hai vai trò khác nhau: người ngồi bên cây đàn piano, và người liên quan đến gia đình và bạn bè của anh ta. Ví dụ, tôi có quan niệm sai lầm rằng người khác thích tôi chỉ vì tôi chơi piano và do đó tôi cảm thấy lúng túng trong các tình huống xã hội. Tôi sẽ được an ủi nếu biết rằng ngay cả một nhân vật như Beethoven cũng bị xáo trộn bởi mâu thuẫn tương tự. “Điều khiến ông ấy lo lắng là việc người khác chấp nhận ông ta khác dường như xuất phát từ tài năng của ông ấy chứ không phải từ phẩm chất con người của ông ấy.”1 Trên thực tế, mâu thuẫn này khá phổ biến ở những người bộc lộ năng khiếu nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng vì chưa có ai giải thích điều này cho tôi nên tôi coi việc nhập vai này là một trở ngại nghiêm trọng cho sự phát triển của mình. Tôi không chỉ bối rối khi phải đóng hai vai khác nhau mà còn băn khoăn không biết vai nào phản ánh con người thật của mình. Tôi chắc chắn rằng nhiều người trưởng thành sẽ chấp nhận và điều chỉnh cuộc sống của mình xung quanh loại mâu thuẫn này mà không thực hiện các bước để giải quyết nó. Tất nhiên, lúc đó tôi chưa bao giờ nghĩ rằng câu trả lời nằm ở tất cả những gì tôi đã trải nghiệm khi chơi đàn piano.

 Tính hai mặt này trong tính cách của tôi đã khiến tôi đau khổ đến mức khi chiến tranh nổ ra ở Triều Tiên, tôi thầm mong được nhập ngũ. Tôi nghĩ rằng nếu tôi tách rời khỏi cuộc sống âm nhạc của mình, thì tôi sẽ có cơ hội khám phá xem liệu tôi có được yêu thích với tư cách một con người hay không. Tôi thử thách tính cách của mình một lần và mãi mãi. Hai năm tôi ở trong quân đội là thời gian vô cùng quý giá. Tôi phát hiện ra rằng bạn bè của tôi yêu mến tôi vì chính con người của tôi. Với cây đàn piano không còn được sử dụng làm chỗ dựa, lần đầu tiên tôi cảm nhận được rằng có lẽ con người âm nhạc và con người xã hội của tôi thực tế là một. Nhưng hơn thế nữa, tôi thậm chí còn tin rằng những năm kỷ luật chơi piano đã giúp tôi có thể chịu đựng được sự khắc nghiệt của những cuộc tuần hành bắt buộc trong khi những người khác tưởng có vẻ khoẻ mạnh hơn lại bị ngã hoặc ngất xỉu.

Tuy nhiên, may mắn thay, cây đàn piano không còn là một di tích thầm lặng trong quãng đời quân ngũ của tôi. Vào một trong những dịp hiếm hoi trong quá trình huấn luyện cơ bản, khi tôi tìm thấy một cây đàn piano để chơi, một sỹ quan tình cờ nghe thấy tôi chơi đàn. Nhờ nỗ lực của anh ấy, tôi được đưa vào đơn vị phục vụ đặc biệt và sau đó được gửi đến Hàn Quốc cùng với nghệ sĩ vĩ cầm Kenneth Gordon. Ở đó, chúng tôi biểu diễn tới ba buổi hòa nhạc mỗi ngày ở tiền tuyến cho quân đội Liên Hợp Quốc. Tôi đã đi hết vòng tròn. Với ý thức mới về sức mạnh của mình, tôi quay trở lại với con người trước đây của mình - người nhạc sĩ mà tôi đã coi thường một cách vô lý trong xã hội.

Tuy nhiên, phải đến khi tôi ở tuổi ba mươi, lần đầu tiên tôi có cảm giác hợp nhất trong bản thân con người của tôi. Tôi không làm gì để tạo ra cảm giác này. Có lẽ tôi đã vô thức bắt đầu nhận ra mối liên hệ giữa quá trình trưởng thành của mình với tư cách là một nhạc sĩ và những thói quen trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Điều này giúp tôi khi tôi không chơi đàn tôi vẫn có được tâm thế thoải mái đến mức tôi thấy không còn cần thiết phải nhập vai nữa. Mặc dù tôi có bối rối trong quá trình biến chuyển đó, nhưng tôi hài lòng với kết cục này; Tôi trở nên giao tiếp nhiều hơn với tư cách một con người cũng như một nghệ sĩ dương cầm. Tôi ý thức được rằng cảm giác này đến với tôi một cách tự nhiên và không còn nghĩ gì về nó nữa. Rồi một ngày Chủ nhật tháng Tám năm 1970, tôi tình cờ đọc một cuộc phỏng vấn trên tờ New York Times nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 65 của Arthur Koestler. Bài báo viết: “Các biên tập viên của tờ L'Express ở Paris đã đã vẽ ra ông ấy với một cuộc đời luôn tìm kiếm 'một lời giải thích phổ quát, chìa khóa cho mọi thứ.'" Tiêu đề  bài báo rất lôi cuốn: "Người chiến đấu cho tâm trí đàn ông nay lại nghiên cứu bộ não của họ.” Nhà bút chiến, tiểu thuyết gia và nhà tư tưởng chính trị nổi tiếng giờ đây đã chuyển sang nghiên cứu tâm lý học. Vào thời điểm cuộc phỏng vấn này được thực hiện, Koestler đang tham gia nghiên cứu về não bộ với Tiến sĩ Paul H. MacLean. Đoạn trích sau đây được lấy từ cuộc phỏng vấn đó:

 Hỏi: Ông trở lại với tâm lý học như thế nào? Ông có viết thư cho MacLean và nói với ông ấy rằng ông muốn làm việc với ông ấy không?

KOESTLER: Có. Tôi đã liên lạc và đến gặp ông ấy, một trợ lý khiêm tốn. MacLean đã chứng minh rằng giữa vùng não cũ và mới thiếu sự phối hợp với nhau. Một sự trùng lặp của các chức năng. Không có sự hòa nhập thực sự, không có sự hòa hợp. Những phần cũ của não [tức là “cũ” về mặt tiến hóa] bị chi phối bởi cảm xúc. Đối với vỏ não mới [bộ não mới], nó liên quan đến cái mà chúng ta gọi là lý trí, tư duy biểu tượng, tính trừu tượng. Một cảm xúc mạnh mẽ làm méo mó logic của chúng ta, dẫn đến sự vô lý....

Hỏi: Có phải tất cả cảm xúc đều nằm trong bộ não cũ kỹ?

KOESTLER: Nó phức tạp hơn thế một chút. Có một sự tương tác. Nói cách khác, có những lúc suy nghĩ của chúng ta bị cảm xúc chi phối. Chúng ta biết điều này. Ở một mức độ nhất định, bộ não mới có thể kiểm soát được cảm xúc của bộ não cũ.

Hỏi: Hoạt động thể dục đơn giản có đủ không, hay cần phải có sự can thiệp bằng hóa chất?

KOESTLER: Không ai thích nói ra điều đó, nhưng thuốc an thần đâu có phải là thứ gì khác ngoài sự can thiệp bằng hóa chất? Nhưng phương pháp hóa trị hiện nay vẫn còn ở thời Trung cổ. Trong mười năm nữa, thuốc an thần sẽ được thay thế bằng nhứng “liệu pháp hoà âm”.

 Ý nghĩa của tuyên bố cuối cùng này làm tôi choáng ngợp. Vì tôi chợt nhận ra rằng người ta có thể tổng hợp cảm xúc và lý trí thông qua luyện tập và do đó đạt được sự hợp nhất mà Koestler đã đề cập đến. Đúng là can thiệp hóa học! Tại sao không coi việc luyện tập như “liệu pháp hòa âm” tối thượng?


LUYỆN TẬP – CHÌA KHÓA ĐỂ HỢP NHẤT

Mặc dù tôi cảm thấy khó chịu với phương pháp tổng hợp cảm xúc và lý trí mà Koestler đề xuất, tôi cũng thấy phấn khích khi biết rằng một nhân vật nổi tiếng như vậy cũng đang nghiên cứu vấn đề tự hợp nhất. Ở điểm này, nhận xét của Koestler đã củng cố ý tưởng rằng việc luyện tập thực sự có thể ảnh hưởng đến hành vi. Vì âm nhạc liên tục tích hợp suy nghĩ và cảm xúc nên đòi hỏi người tập đàn phải có sự phối hợp liên tục giữa lý trí và cảm xúc. Và chính kiểu phối hợp các khả năng sâu thẳm nhất của chúng ta như vậy, đã làm cho sự tự hợp nhất trở nên khả thi.

Tôi đã trải nghiệm mối tương quan giữa bản thân tôi với tư cách là một nghệ sĩ dương cầm và bản thân tôi với tư cách là một con người. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn với Koestler đã khiến tôi phải tìm kiếm nguyên nhân của mối tương quan đó. Có phải mối tương quan đó là kết quả của việc luyện đàn, hay điều gì đó trong cuộc sống cá nhân của tôi, hay là sự kết hợp của cả hai? Nếu đó là kết quả của việc luyện tập như tôi phán đoán, tôi phải khám phá xem việc luyện tập đó đã tạo ra sự hợp nhất này như thế nào. Hơn nữa, tôi phải xem liệu việc luyện đàn có ảnh hưởng đến cuộc sống của học trò của tôi hay không. Do đó, tôi bắt đầu quan sát một cách khách quan hơn học trò và bản thân tôi trong lúc chơi đàn và lúc không ở cạnh cây đàn. Tôi phát hiện ra rằng những người tự hợp nhất tốt và hạnh phúc đã đạt được sự cân bằng giữa việc luyện tập có hệ thống và cách họ liên hệ với người khác. Từ đó, tôi có thể kết luận rằng những người chưa thiết lập được sự cân bằng này sẽ không thể làm được điều đó nếu chỉ tập trung vào các khía cạnh xã hội trong cuộc sống của họ. Mặc dù một người có thể cực kỳ thân thiết với ai đó, nhưng không phải lúc nào người này cũng có thể đoán trước được hành vi của người kia. Nghịch lý thay, sự khó đoán này lại góp phần tạo nên yếu tố mới lạ cho một mối quan hệ, rất giống những trường đoạn hài hòa bất ngờ trong tác phẩm của Schubert. Tuy nhiên, trong nỗ lực hợp nhất, bạn cần phải tham gia vào một quá trình có thể dự đoán được càng nhiều càng tốt. Và không có quá trình nào dễ dự đoán hơn việc luyện tập.

Các khía cạnh mang tính có tổ chức của âm nhạc thể hiện một cách ngắn gọn trật tự và sự hòa hợp mà bạn tìm kiếm ở bản thân và trong các mối quan hệ của bạn với người khác. Bằng cách áp dụng chính bản thân mình vào âm nhạc thông qua phương pháp luyện tập mà tôi giới thiệu trong cuốn sách này, bạn có thể thiết lập cho mình trật tự và sự hòa hợp, như bạn tìm thấy trong âm nhạc. Khi quá trình luyện tập này diễn ra, bạn nắm bắt, tiếp thu và liên hệ trật tự và sự hoà hợp đó với mọi hoạt động của bạn.

Tất nhiên, cũng có thể có trường hợp một nhạc sĩ có thể xuất sắc trong lĩnh vực của mình nhưng lại không hòa hợp được với xã hội, mặc dù trường hợp cảm thấy tách biệt như vậy không chỉ riêng gì trong nghệ thuật. Người ta có thể cho rằng một người cống hiến hết mình cho nghệ thuật âm nhạc cao quý sẽ tự bản thân trở nên cao đạo. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp các nhạc sĩ cư xử như thể nghệ thuật không hề ảnh hưởng gì tới tính cách của họ, và điều đó mâu thuẫn với giả định nói trên. Trong khi cố gắng tìm hiểu sự mâu thuẫn này, tôi đã hỏi một số nhạc sĩ về chủ đề này và nhận được một số câu trả lời đáng ngạc nhiên. Một nhạc sĩ nói với tôi rằng ông ấy đã cố gắng hết sức để bảo vệ nghệ thuật của mình không bị thế giới xã hội làm“ô nhiễm”. Nói cách khác, ông ấy cố gắng tạo ra sự tách biệt, trong khi tôi cho rằng cần phải tránh sự tách biệt đó. Hơn nữa, ông ấy cho rằng nghệ thuật lớn luôn đi đôi với sự phi lý, và do đó ông ấy kết luận rằng hành vi phi lý trên thực tế là điều đáng mong muốn. Một nhạc sĩ khác nói với tôi rằng nghệ thuật của ông ấy đồng nghĩa với chứng loạn thần kinh của ông ấy, rằng ông ấy không muốn xử lý chứng loạn thần kinh của mình vì sợ làm hỏng nghệ thuật của ông ấy. Bởi vì họ chấp nhận lý thuyết này, nên nhiều nhạc sĩ vẫn cứ duy trì hành vi loạn thần kinh của riêng họ, và họ dường như không biết đến những người có thể hòa hợp tốt với xã hội mà vẫn yêu thích hoạt động nghệ thuật biểu diễn và sáng tạo. Nhưng thực tế là có nhiều nhạc sĩ tài năng có thể phát triển khả năng sáng tác nghệ thuật của mình một cách đáng kể sau chỉ sau khi họ thiết lập được sự cân bằng giữa nghệ thuật và mối quan hệ của họ với mọi người.

Khi một nhạc sĩ tách rời nghệ thuật của mình ra khỏi cuộc sống cá nhân của mình, người đó sẽ phải trả giá cho cả bản thân mình và người khác. Vì mong muốn tập trung hoàn toàn vào nghệ thuật của mình, anh ta đã đánh mất phần lớn những gì anh ta có thể đóng góp với tư cách một con người. Khi điều này đi đến mức cực đoan, anh ta sẽ trở nên không thoả mãn trong mọi hoạt động khác của mình. Anh ta nuôi dưỡng quan niệm lệch lạc rằng với tư cách là một nghệ sĩ, anh ta có thể cư xử theo bất kỳ phong cách nào anh ta chọn. Những thành tựu nghệ thuật thành công cùng với những mối quan hệ không hạnh phúc đã trở thành thói quen đối với một người như vậy. Và vì rất khó thay đổi những thói quen có hại nên anh ta thậm chí có thể đi xa hơn để biện minh cho những thới quen đó. Nghĩa là, anh ta có thể tự thuyết phục mình rằng nghệ thuật phát triển mạnh mẽ khi được nuôi dưỡng bởi những hành vi phi lý trí. Tuy nhiên, thật kỳ lạ là một nghệ sĩ có thể tiếp tục phát triển tài năng của mình bất chấp khuynh hướng huỷ hoại chính anh ta. Chắc chắn, trong âm nhạc không thể nào có thể khiến một nhạc sĩ cư xử theo kiểu này. Mà nguyên nhân của những hành vi huỷ hoại phi lý chí nằm ở hai trường hợp cụ thể:

Những lý do sai lầm khi học âm nhạc

Trong giới chuyên nghiệp, có vô vàn nhạc sĩ thường xuyên bị cha mẹ và giáo viên tham vọng ép buộc phải luyện tập bốn hoặc năm giờ mỗi ngày kể từ khi còn nhỏ. Thay vì xem việc luyện tập như một cách thức để khám phá, các em được dạy rằng không luyện tập là một tội lỗi. Những ai từng là nạn nhân của nền giáo dục chuyên chế như vậy thì khi trưởng thành rồi vẫn tiếp tục chịu đựng cảm giác tội lỗi mỗi khi không tập luyện. Một số cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa thời thơ ấu bất hạnh và tuổi trưởng thành, nhưng số khác thường giữ lại vết sẹo oán giận do phải chịu căng thẳng quá mức khi còn bé. Một số người thực sự rời bỏ âm nhạc khi họ đủ trưởng thành để phản ứng lại cha mẹ và giáo viên của mình. Nếu người nào có năng khiếu mà lại được sinh ra trong một gia đình lành mạnh, có tinh thần xây dựng và đồng thời tìm được một giáo viên có năng lực và nhạy cảm, thì đó thực sự là may mắn hiếm hoi.

 Một số nhạc sĩ cảm thấy có nhu cầu quá mức muốn được khen ngợi và ca tụng và họ muốn được thoả mãn bởi những tràng pháo tay và tán dương của công chúng. Cảm giác mê mờ này mang lại cho họ nhận thức sai lầm về thành tựu - coi thành tựu là động lực chính cho sự nghiệp âm nhạc. Một số khác có tinh thần cạnh tranh cao khiến họ thường có thái độ đối kháng với đồng nghiệp. Có lẽ hậu quả nghiêm trọng nhất của việc học nhạc không đúng mục đích là người nhạc sĩ thất bại trong sự nghiệp biểu diễn và do đó phải kiếm sống bằng nghề giáo viên. Thay vì coi việc dạy học là một đặc ân, họ lại trút bực bội lên học trò và như vậy họ tàn phá học trò cũng như chính bản họ.

Không có khả năng liên hệ việc luyện tập với các quan hệ xã hội

Ở đây, chúng ta thấy một nhạc sĩ đang tạo ra một thế giới đẹp đẽ và trật tự thông qua việc luyện tập. Miễn là khi nhạc sĩ đó đắm mình vào nghệ thuật, anh ấy cảm thấy hạnh phúc và làm việc hiệu quả. Nhưng trong quan hệ xã hội, anh ta có xu hướng bỏ qua những hiểu biết phải khó khăn mới có được, mà những hiểu biết đó vốn giúp anh ta xác định và thể hiện tài năng của mình. Như chúng ta đã thấy, mâu thuẫn nảy sinh khi nhạc sĩ đó đối diện với sự đối lập giữa việc phát huy hết tài năng của mình và việc anh ta không có khả năng xây dựng quan hệ với mọi người. Trong các phần sau của cuốn sách này, chúng ta sẽ xem xét những cách khác nhau mà việc luyện tập có thể giúp hoá giải mâu thuẫn này.

 MỤC TIÊU CUỐI CÙNG

 Trong vài năm gần đây, khi tôi hiểu được lý do thực sự của việc luyện tập, tôi bắt đầu tổ chức các buổi hội thảo cho giáo viên và học sinh. Vào thời điểm thích hợp, tôi luôn hỏi: “Tại sao em luyện tập?” Những câu trả lời phổ biến nhất là: “Em luyện tập để hoàn thiện kỹ thuật, để có thể chơi đàn hay hơn” hoặc “Em muốn công diễn ở New York và sau đó là đi lưu diễn”. Đáng lo ngại hơn là câu trả lời: “Em chưa bao giờ nghĩ về điều đó”. Câu trả lời đáng khích lệ nhất chỉ đơn giản là: “Em luyện tập vì em yêu âm nhạc”.

Đương nhiên, bạn muốn hoàn thiện kỹ thuật của mình; có lẽ một ngày nào đó bạn thậm chí sẽ có buổi công diễn thành công và rồi sẽ tham gia các chuyến lưu diễn hòa nhạc. Chắc chắn, thật khó để tưởng tượng bạn làm tất cả những điều này mà không yêu nghệ thuật. Tuy nhiên, có một mục tiêu cuối cùng vượt trên tất cả những thành tựu có thể đạt được này là: Luyện tập hiệu quả là một quá trình thúc đẩy sự tự hòa hợp. Đó chính là cách luyên tập giúp bạn tiếp xúc với một trật tự lan tỏa khắp nơi - một trật tự tạo ra sự tổng hợp tổng thể của cảm xúc, lý trí, nhận thức giác quan và sự phối hợp cơ thể của bạn. Quá trình này đem lại sự tích hợp giúp xây dựng sự tự tin của bạn, và khẳng định sự thống nhất giữa bạn và tài năng của bạn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tin rằng sự tích hợp đó là có thể thực hiện được, và thông qua đó, bạn có thể đạt được sự hợp nhất ảnh hưởng đến hành vi của bạn trong mọi việc bạn làm. Do đó, những lợi ích mà bạn có thể mang lại cho cuộc sống của người khác sẽ là minh chứng cho quá trình luyện tập của bạn.

2 Tại sao bạn không luyện tập?

CẢM GIÁC CÔ ĐƠN

 Bạn đến văn phòng và được chào đón bởi những âm thanh quen thuộc—giọng nói của sếp, của cô thư ký, tiếng gõ trên bàn phím máy tính; chiếc máy cà phê đang rót kem xuống tách của bạn, không đường; bạn chào hỏi “chào buổi sáng” và trò chuyện với các đồng nghiệp; bạn biết là những âm thanh quen thuộc đó vang lên nhiều hơn trong suốt ngày làm việc.

 Khi ngồi vào bàn làm việc để bắt đầu công việc buổi sáng, bạn chợt nhớ đến bản Fantasia cung Rê thứ của Mozart mà bạn đã tập tối hôm trước. Âm hưởng của bản nhạc khiến bạn cảm thấy khao khát điều gì đó không thể diễn tả được, nhưng một số đoạn kỹ thuật vẫn tiếp tục khiến bạn thất vọng. Bạn tự hỏi liệu bạn có tập xong phần kỹ thuật đó để chuẩn bị cho buổi học của bạn trong bốn ngày tới hay không. Rõ ràng, âm nhạc có sức mạnh to lớn trong cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, bạn có thể tận hưởng ngồi ở văn phòng. Mặc dù công việc có những lúc khó khăn hoặc rắc rối, tuy nhiên, vẫn có điều gì đó an toàn về thói quen có thể dự đoán được hàng ngày. Ngoài ra, bạn thích ở bên mọi người và họ có vẻ cũng thích ở bên bạn. Môi trường văn phòng, bàn làm việc, công việc đang chờ đợi bạn, tất cả đều mang lại cho bạn sự thoải mái nhất định. Ngược lại, luyện tập là một hoạt động rất đơn độc. Thế nhưng, sự giao cảm với Mozart sẽ thoả mãn nhu cầu bên trong bạn mà không trải nghiệm nào khác có thể mang lại - đó là khi cuối cùng bạn cũng bắt tay vào luyện tập bản nhạc.

 Sau tám giờ, bạn tạm biệt các đồng nghiệp và rời văn phòng để đi ăn tối với một người bạn. Bạn về đến nhà lúc 8h30 tối, khá mệt mỏi và đóng cửa căn hộ của mình. Lần đầu tiên sau mười hai giờ bạn ở một mình. Chỉ trong chốc lát, bạn đã ngồi bên cây đàn piano và háo hức tiếp tục luyện bản Fantasia. Nhưng ngay khi bạn cố gắng giải quyết đoạn kỹ thuật khó nhằn đầu tiên, tâm trí bạn bắt đầu lang thang. Bạn nghĩ về một người bạn mà bạn muốn gặp. Bạn yêu âm nhạc, bạn yêu Mozart, nhưng sự cô đơn làm phân tán khả năng tập trung của bạn. Bạn sẽ không thể nào tập trung với bản nhạc; bạn ép mình phải luyện tập; bạn thử đi thử lại đoạn văn đó. Than ôi, nó không có ích gì. Đến lúc này, bạn đã biết rất rõ mình muốn ở đâu. Bạn cảm thấy tội lỗi vì không tập trung luyện đàn. Tuy nhiên, nhu cầu được ở bên bạn bè của bạn sẽ lấn át nhu cầu luyện tập của bạn. Một lúc sau, bạn nói chuyện trên điện thoại. Bạn giải thích với bạn mình: “Tớ biết tớ phải luyện tập, nhưng thế giới âm nhạc vẫn tồn tại cho dù vắng tớ tối nay. Tối mai tớ sẽ tập. Chúng mình đi uống nhé.”

 Trạng thái lẫn lộn suy nghĩ mâu thuẫn như vậy rất phổ biến ở những người chơi đàn nghiệp dư; ngay cả các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng đôi khi ở trong trạng thái đó. Bạn biết bạn phải làm gì nhưng bạn không thực hiện được việc đó. Tình trạng đó có thể gây ra cảm giác tội lỗi, thất vọng và trong một số trường hợp là sự dằn vặt không thể nguôi ngoai. Mặc dù bạn có thể cảm thấy rằng việc luyện tập sẽ hòa hợp âm nhạc với bản thân con người bạn, nhưng câu hỏi vẫn là “Làm cách nào để tôi có thể luyện tập?”

 Cảm giác cô đơn có lẽ là trở ngại lớn nhất cho việc luyện tập. Một mặt, nó có thể xuất phát từ nhu cầu ở bên cạnh người khác; mặt khác, nó có thể xuất phát từ việc thiếu khả năng tự kỷ luật. Nếu cách tổ chức cuộc sống cần thiết cho việc luyện tập dường như vượt quá khả năng hiện tại của bạn, bạn có thể cảm thấy hoàn toàn thất bại ngay cả trước khi bắt đầu. Bạn có cảm giác vô ích khi đối mặt với một thử thách, thực sự có thể khiến việc luyện tập trở thành một hoạt động rất cô đơn. Tuy nhiên, đây là những vấn đề có thể khắc phục được. Một cách là nhìn vào tâm trí của những người đã luyện tập sâu sắc và cố gắng khám phá điều gì khiến họ tiếp tục luyện tập. Thật nghịch lý, đối với một số người, câu trả lời là việc luyện tập, nhờ hiệu ứng hài hòa của âm nhạc, sẽ xua tan nỗi cô đơn. Một trong những học trò của tôi, một thư ký chuyên nghiệp, đã xây dựng cả cuộc đời mình xoay quanh nhu cầu luyện tập, thậm chí còn nhận một công việc giúp cô có thể cống hiến nhiều giờ hơn cho âm nhạc của mình. Một lần, vào cuối buổi học, tôi hỏi em có bao giờ cảm thấy cô đơn khi luyện tập không. Em trả lời tôi: "Không hề thầy ạ. Sự cô đơn chưa bao giờ là vấn đề đối với em. Ngược lại. Chỉ khi luyện đàn, em mới cảm nhận được sự kết nối với chính mình và với người khác. Dường như các nhà soạn nhạc vĩ đại đang nói thay em – thông qua em. Âm nhạc của họ đánh thức những cảm xúc trong em, dường như phản ánh con người thật của em. Vậy thì thầy có thể thấy tại sao em cảm thấy có mối quan hệ sâu sắc với những bộ óc đã tạo nên âm nhạc; Em tin rằng các nhà soạn nhạc lên tiếng thay cho toàn thể nhân loại; Em không chỉ cảm nhận được sự gắn kết tinh thần với họ mà còn với những người cũng yêu âm nhạc như em”.

Câu trả lời đầy cảm hứng của em học trò đó tôi không làm tôi ngạc nhiên chút nào, vì tôi đã suy ra từ cách chơi của em và thậm chí từ thái độ của em rằng em là một người hòa nhập tốt. Cả hai chúng tôi đều đồng ý rằng luyên tập là yếu tố đã tạo nên sự hợp nhất trong tính cách của em. Ảnh hưởng hài hòa của âm nhạc đã giúp em duy trì nhu cầu luyện tập trong điều kiện cuộc sống bận rộn của mình. Hơn nữa, âm nhạc đã thiết lập trong em một mối liên kết tinh thần với mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người đều nhìn nhận việc luyện tập theo cách này.

Một số nhạc sĩ cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến việc luyện tập một mình. Họ thậm chí có thể né tránh cây đàn piano và coi việc luyện tập như một sự hy sinh thay vì coi đó là việc cần thiết. Mong muốn thực hiện sứ mệnh nghệ thuật của họ, dù sứ mệnh ấy có quan trọng đến đâu, cũng đồng nghĩa với việc họ phải đánh đổi một nhu cầu thậm chí còn mạnh mẽ hơn – nhu cầu tiếp xúc giữa con người với con người. Họ tin rằng mỗi giờ ngồi bên cây đàn piano sẽ khiến họ xa rời những người thân yêu và mọi nỗ lực tập trung đều bị tan vỡ bởi bóng ma cô đơn. Vậy thì bạn có thể hiểu tại sao những người đó cảm thấy phẫn nộ với âm nhạc cũng như giáo viên của họ.

Cả hai thái cực – tức là sự cô lập hoàn toàn hoặc luôn có nhu cầu ở bên người khác – đều phản tác dụng. Đúng hơn, điều quan trọng là phải đạt được sự cân bằng, như học trò của tôi đã nêu, giữa việc thực hành (ở một mình) và giao tiếp với người khác (hòa đồng) và liên hệ trải nghiệm này với trải nghiệm khác.

PHIÊN BẢN TỐT NHẤT CỦA BẠN

 Để giúp học trò của tôi đạt được sự cân bằng này, tôi đã phải lục lại những ký ức đầu tiên của mình để xem liệu tôi cũng có bao giờ cảm thấy cô đơn trong suốt thời gian dài bên cây đàn piano hay không. Tôi nhớ là tôi đã luyện đàn với cùng một số giáo viên mà tôi coi là hình mẫu xuất sắc. Việc nhận thức đơn thuần về họ đã giúp tôi cảm thấy có mối liên hệ với người mà tôi ngưỡng mộ. Các giáo viên đó đã truyền cảm hứng cho tôi noi theo những tiêu chuẩn cao mà chính họ đã thể hiện qua thành tích của mình. Điều thú vị là tác giả người Hy Lạp của cuốn Đứng trên sự Siêu phàm (On the Sublime) (từ lâu được cho là Longinus) ủng hộ tinh thần thi đua này khi ông khuyên nhà thơ hãy tưởng tượng rằng Homer đang đứng trên vai ông.2 Robert Schumann, trong cuốn Những quy tắc dành cho nhạc sĩ trẻ của ông, cũng đưa ra lời khuyên tương tự: “Luôn chơi như thể có một bậc thầy đang hiện diện.”3 Cả Longinus và Schumann đều hiểu rằng hình ảnh lý tưởng về một bậc thầy sẽ thúc đẩy học trò và dẫn anh ta đến việc nhận ra con người tốt nhất của chính mình. Phiên bản tốt nhất của tôi được truyền cảm hứng từ các giáo viên của tôi. Giống như Homer, họ ủng hộ tôi và động viên tôi hướng tới những thành tựu lớn hơn. Với mỗi giờ luyện tập, tôi sẽ tưởng tượng giọng nói của họ tán thành hoặc không tán thành. Khi điều gì đó diễn ra tốt đẹp, tôi nghĩ họ sẽ vui mừng biết bao với thành tích của tôi. Tình yêu âm nhạc của tôi, cùng với việc tưởng tượng ra những người tôi quý trọng khích lệ tôi, đã trở thành nguồn cảm hứng chính trong quá trình luyện tập của tôi. Sau đó, bạn bè và đồng nghiệp của tôi, những người mà tôi luôn tôn trọng những ý kiến, cùng với các giáo viên của tôi, trở thành các khán giả trong trí tưởng tượng của tôi.

BẠN VÀ GIÁO VIÊN CỦA BẠN

Tôi tin rằng tôi đã tạo ra khán giả tưởng tượng này như một cách để xua tan sự cô đơn. Đó là cách tôi thiết lập mối liên kết tinh thần được học trò của tôi thể hiện. Tất nhiên, thầy cô và bạn bè của tôi không biết tôi thường xuyên tìm kiếm sự chỉ dẫn và động viên của họ bằng cách triệu tập họ vào trí tưởng tượng của mình. Tuy nhiên, việc tưởng tượng Homer đứng trên vai bạn là một chuyện, nhưng việc có một người thầy hướng dẫn bạn từ bài học này sang bài học khác lại là chuyện khác. Tương tự như vậy, khán giả tưởng tượng, tượng trưng cho những lý tưởng cao nhất của bạn, có thể đóng vai trò là hình mẫu trong quá trình bạn luyện tập; nhưng những khán giả như vậy không phải lúc nào cũng có thể đưa ra đánh giá thực tế cho nỗ lực của bạn. Vì nếu bạn chưa đạt được sự tự nhận thức thông qua thực hành, bạn không thể sử dụng khán giả tưởng tượng của mình để chỉ nói với bạn những điều bạn mong muốn nghe. Nhưng có một khía cạnh thực sự đối với khán giả tưởng tượng của tôi nhưng không liên quan gì đến trí tưởng tượng của tôi: Đó là những người mà tôi mời đến trong tâm trí của tôi thực sự quan tâm đến việc tôi có tập luyện hay không. Thực tế, chính sự quan tâm của họ đã giúp tôi tiến bộ. Thông thường, người thầy của bạn là người quan tâm và tham gia chủ yếu vào quá trình luyện tập của bạn (mặc dù gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cũng thường chia sẻ mối quan tâm này). Tuy nhiên, trên hết, người thầy của bạn không chỉ phải quan tâm đến việc luyện tập của bạn, mà còn quan tâm đến phản ứng của cá nhân bạn đối với âm nhạc. Hơn nữa, ý chí quan tâm này sẽ kéo bạn vào một mối quan hệ gần gũi hơn với người thầy đó, một mối quan hệ vượt xa việc chỉ dạy âm nhạc đơn thuần. Vì người thầy đó quan tâm đến việc luyện tập của bạn có nghĩa là quan tâm đến cá nhân bạn. Hơn nữa, người thầy phải giành được sự tôn trọng lâu dài của bạn bằng cách trở thành một tấm gương xuất sắc, cả về khía cạnh âm nhạc cũng như nhân cách. Người thầy chỉ có thể quan tâm đến bạn tương ứng với khả năng quan tâm đến chính bản thân mình. Người thầy thể hiện mối quan tâm này bằng cách không ngừng luyện tập như một học trò vĩnh cửu trong suốt sự nghiệp giảng dạy của mình. Nếu bản thân là một nghệ sĩ biểu diễn, người thầy đó khuyến khích những cam kết với bản thân như một động lực để luyện tập. Nếu không phải là một nghệ sĩ biểu diễn, người thầy đó vẫn tìm kiếm lời khuyên của các nhạc sĩ khác, những người tạo ra những thách thức để giúp đạt được những thành tựu lớn hơn, tất cả vì sự phát triển của chính bản thân người thầy và sự khai sáng cho các học trò.

Giống như người thầy của bạn khuyến khích bạn đạt được phiên bản tốt nhất của bạn, đến lượt bạn, bạn cũng cố gắng làm điều tương tự để đáp lại sự quan tâm của thầy. Khái niệm học sinh khuyến khích giáo viên đã không được để ý đúng mực. Tuy nhiên, tất cả các mối quan hệ đều phát triển theo nguyên tắc có đi có lại, và mối quan hệ giữa bạn với thầy giáo cũng không ngoại lệ. Cách hiệu quả nhất mà bạn có thể khích lệ thầy giáo của mình là luyện tập. Do đó, bạn cho thầy giáo của mình thấy rằng bạn có thể coi trọng bản thân và sẵn sàng đạt được những tiêu chuẩn xuất sắc đã được thỏa thuận giữa hai người. Vì năng lực của bạn khác với những người khác, bạn nên thảo luận vấn đề này với thầy giáo cũng như tất cả các vấn đề khác liên quan đến mục tiêu âm nhạc của bạn. Tất nhiên, bạn nên đề phòng xu hướng tự ti hoặc phóng đại năng lực của chính mình. Nhưng đừng quá lo lắng về điều này, vì thầy giáo của bạn sẽ luôn ở đó để hướng dẫn bạn, đồng thời khuyến khích bạn nhìn nhận năng lực của mình một cách thực tế. Một khi bạn cam kết thực hiện một nhiệm vụ, bạn sẽ khám phá ra rằng động lực của bạn sẽ tăng lên tương ứng. Khi đó, chắc chắn bạn sẽ đạt tiến bộ, và thành tích của bạn sẽ cho bạn và giáo viên thấy rằng bạn là một học trò nghiêm túc và có trách nhiệm. Hơn nữa, thầy giáo sẽ coi sự nghiêm túc của bạn là dấu hiệu của sự tôn trọng thầy. Được truyền cảm hứng từ sự chăm chỉ luyện tập và sự tiến bộ của bạn, thầy giáo cũng sẽ nỗ lực hết mình để đồng hành với bạn. Như thế, vòng tròn cho và nhận đã hoàn tất.

 Bản thân mối quan hệ như vậy giữa thầy và trò mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, tôi luôn nghĩ rằng những thành tựu nghệ thuật của chúng ta vượt ra ngoài bản thân mỗi chúng ta và người thầy của chúng ta để trở thành một phần của một vòng tròn lớn hơn bao gồm tất cả những cá nhân có tài năng. Về mặt này, mức độ bạn nghiêm túc việc luyện tập của mình sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến những người khác trong vòng kết nối này. Đó là lý do tại sao tôi thường nói với các học trò của mình rằng: “Nếu các em không luyện tập thì tôi cũng không cần phải luyện tập”. Suy cho cùng, tài năng là niềm tin thiêng liêng mà chúng ta phải có trách nhiệm. Khi luyện tập, chúng ta hoàn thành phần trách nhiệm của mình trong vòng tròn cho và nhận. Tuy nhiên, khi chúng ta lơ là việc luyện tập, cái bóng thất bại của chúng ta sẽ đổ lên người khác. Cuối cùng, sự lựa chọn là của bạn; bạn chọn người thầy cho mình như bạn chọn một người bạn: hoặc bạn và thầy truyền cảm hứng cho nhau thông qua việc cùng nhau tận tâm cho những nguyên tắc cao cả, hoặc bạn phớt lờ trách nhiệm của mình đối với những nguyên tắc đó và dành tất cả phần luyện tập cho thầy giáo, bạn bè của mình - là phần cho đi. Tình yêu dành cho âm nhạc sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn. Một cách tốt nhất để bắt đầu là tìm một người thầy thể hiện những lý tưởng cao nhất và giúp bạn đạt được những lý tưởng đó cho chính mình. Mối quan hệ như vậy có thể trở thành hình mẫu cho tất cả các mối quan hệ khác của bạn, vì nó là hình ảnh thu nhỏ của bản chất cho và nhận.

 TRẢI NGHIỆM TRÊN LỚP HỌC

Những bài học của bạn trên lớp và mối quan hệ của bạn với người thầy của mình là những mắt xích quan trọng trong quá trình khám phá sự tự nhận thức của bạn. Khi mối quan hệ này phát triển và bạn và thầy của bạn dần biết được điểm mạnh và điểm yếu của nhau, bạn cảm thấy gần gũi khi biết rằng một người nào đó không chỉ chấp nhận bạn ngay cả với những lỗi của bạn, mà còn quan tâm đến bạn tới mức giúp bạn vượt qua những lỗi đó. Như bạn đã thấy, người thầy của bạn quan tâm đến sự phát triển cá nhân cũng như sự phát triển âm nhạc của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn cho rằng chỉ riêng mối quan hệ như vậy thôi cũng có thể giúp bạn sẵn sàng đương đầu với “thế giới ngoài kia”, như một học trò của tôi đã mô tả, thì đó là không thực tế. Do đó, tôi quyết định rằng cùng với các bài học riêng, học trò của tôi cần trải nghiệm các buổi biểu diễn thường xuyên nhằm phục vụ hai mục đích: thứ nhất, khán giả sẽ đánh giá sự tiến bộ của các em mà không nhất thiết phải thay thế giáo viên hoặc khán giả tưởng tượng của các em; thứ hai, các buổi biểu diễn thực tế sẽ cung cấp cho các em một nền tảng rèn luyện mạnh mẽ để phát triển các kỹ thuật biểu diễn. Điều này sẽ giúp các em đạt được tham vọng thầm kín của mình là biểu diễn trước những người khác. Tôi thường mời người ngoài đến làm khán giả cho học trò của mình. Trong khi môi trường như vậy là lý tưởng đối với những sinh viên chuyên nghiệp, thì nó lại khó khăn cho những người chơi đàn không chuyên, bởi họ không quen biểu diễn trước đông người. Hiện tại, tôi chỉ giới hạn khán giả cho các học trò của mình, mặc dù thỉnh thoảng tôi cũng mời những người khác tới nghe với điều kiện là họ thông cảm với nỗ lực của tất cả các học trò — cho dù họ có thể thuộc tầm cỡ nghệ sĩ biểu diễn hay không.

Các lớp học thành công hơn tôi tưởng tượng. Chính kinh nghiệm biểu diễn đã thuyết phục các học trò của tôi về sự cần thiết của việc chú tâm luyện tập. Những lời nhận xét sau màn trình diễn đã chứng minh cho mỗi học trò thấy rằng kết quả luyện tập của em được những người đến nghe coi trọng. Vì vậy, lớp học theo một nghĩa nào đó đã trở thành gia đình âm nhạc của học trò, củng cố mối liên kết hiện có giữa tình yêu âm nhạc và mối quan hệ của học trò với thầy của mình. Là thành viên của gia đình âm nhạc này, mỗi học sinh đều cảm thấy có động lực để thể hiện hết khả năng của mình, không chỉ để giữ gìn sự chính trực của bản thân mà còn mang lại lợi ích cho những người khác. Sự tiến bộ của từng thành viên tạo cảm hứng cho cả lớp. Vì vậy, cố gắng hết sức mình đã trở thành tiêu chí duy nhất cho sự tiến bộ đó. Ví dụ, nếu một học trò hay quên nốt nhạc nhưng khi biểu diễn chỉ vấp đôi chút, thì buổi trình diễn của em sẽ được đón nhận nồng nhiệt. Ngược lại, cả lớp có thể rất thất vọng với một nghệ sĩ biểu diễn dày dạn kinh nghiệm, bởi cho dù buổi buổi biểu diễn không sai một nốt nhạc nào nhưng lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn cao mà mọi người mong đợi ở một người có trình độ như vậy.

TRẢI NGHIỆM TRÊN LỚP HỌC

Những bài học của bạn trên lớp và mối quan hệ của bạn với người thầy của mình là những mắt xích quan trọng trong quá trình khám phá sự tự nhận thức của bạn. Khi mối quan hệ này phát triển và bạn và thầy của bạn dần biết được điểm mạnh và điểm yếu của nhau, bạn cảm thấy gần gũi khi biết rằng một người nào đó không chỉ chấp nhận bạn ngay cả với những lỗi của bạn, mà còn quan tâm đến bạn tới mức giúp bạn vượt qua những lỗi đó. Như bạn đã thấy, thầy của bạn quan tâm đến sự phát triển cá nhân cũng như sự phát triển âm nhạc của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn cho rằng chỉ riêng mối quan hệ như vậy thôi cũng có thể giúp bạn sẵn sàng đương đầu với “thế giới ngoài kia”, như một học trò của tôi đã mô tả, thì đó là không thực tế. Do đó, tôi quyết định rằng cùng với các bài học riêng, học trò của tôi cần trải nghiệm các buổi biểu diễn thường xuyên nhằm phục vụ hai mục đích: thứ nhất, khán giả sẽ đánh giá sự tiến bộ của các em mà không nhất thiết phải thay thế giáo viên hoặc khán giả tưởng tượng của các em; thứ hai, các buổi biểu diễn thực tế sẽ cung cấp cho các em một nền tảng rèn luyện mạnh mẽ để phát triển các kỹ thuật biểu diễn. Điều này sẽ giúp các em đạt được tham vọng thầm kín của mình là biểu diễn trước những người khác. Tôi thường mời người ngoài đến làm khán giả cho học trò của mình. Trong khi môi trường như vậy là lý tưởng đối với những sinh viên chuyên nghiệp, thì nó lại khó khăn cho những người chơi đàn không chuyên, bởi họ không quen biểu diễn trước đông người. Hiện tại, tôi chỉ giới hạn khán giả cho các học trò của mình, mặc dù thỉnh thoảng tôi cũng mời những người khác tới nghe với điều kiện là họ thông cảm với nỗ lực của tất cả các học trò — cho dù họ có thể thuộc tầm cỡ nghệ sĩ biểu diễn hay không.

 Các lớp học thành công hơn tôi tưởng tượng. Chính kinh nghiệm biểu diễn đã thuyết phục các học trò của tôi về sự cần thiết của việc chú tâm luyện tập. Những lời nhận xét sau màn trình diễn đã chứng minh cho mỗi học trò thấy rằng kết quả luyện tập của em được những người đến nghe coi trọng. Vì vậy, lớp học theo một nghĩa nào đó đã trở thành gia đình âm nhạc của học trò, củng cố mối liên kết hiện có giữa tình yêu âm nhạc và mối quan hệ của học trò với thầy của mình. Là thành viên của gia đình âm nhạc này, mỗi học sinh đều cảm thấy có động lực để thể hiện hết khả năng của mình, không chỉ để giữ gìn sự chính trực của bản thân mà còn mang lại lợi ích cho những người khác. Sự tiến bộ của từng thành viên tạo cảm hứng cho cả lớp. Vì vậy, cố gắng hết sức mình đã trở thành tiêu chí duy nhất cho sự tiến bộ đó. Ví dụ, nếu một học trò hay quên nốt nhạc nhưng khi biểu diễn chỉ vấp đôi chút, thì buổi trình diễn của em sẽ được đón nhận nồng nhiệt. Ngược lại, cả lớp có thể rất thất vọng với một nghệ sĩ biểu diễn dày dạn kinh nghiệm, bởi cho dù buổi buổi biểu diễn không sai một nốt nhạc nào nhưng lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn cao mà mọi người mong đợi ở một người có trình độ như vậy.

Một buổi biểu diễn âm nhạc thành công tự nó đã là một kỳ tích anh hùng. Nhận thức được điều này, nên các học trò của tôi học cách hình thành đánh giá nỗ lực của người khác một cách rõ ràng và sáng suốt. Điều này lại thúc đẩy sự tiến bộ của chính các em, và thường mang lại những kết quả ngoạn mục: những người mới học có thể vượt lên chính mình, những học trò có năng khiếu đạt được tiêu chuẩn cao về nghệ thuật và giáo viên bắt đầu đảm nhận vai trò của những bậc thầy thực thụ. Ngoài ra, sự tương tác nhân văn phát triển giữa các học trò trở nên hữu ích đối với các em ngay cả trong những tình huống không liên quan đến âm nhạc. Việc trở thành thành viên của một xã hội thách thức khả năng cân bằng giữa nhu cầu cá nhân (nghệ sĩ độc tấu) với nhu cầu của nhóm (trải nghiệm trong lớp). Trong âm nhạc, điều này được thể hiện rõ nhất qua một buổi biểu diễn nhạc thính phòng trong đó nguyên tắc tương tác phụ thuộc vào lương tâm của từng thành viên và sự cống hiến chung cho một lý tưởng âm nhạc. Để thúc đẩy sự tương tác như vậy, tôi khuyến khích học sinh của mình tham gia chơi nhạc thính phòng bất cứ khi nào có thể. Tất nhiên, hình thức tương tác tương tự là cần thiết đối với các gia đình, tổ chức và thậm chí cả các cơ quan nhà nước, vì mục tiêu trong mỗi trường hợp không chỉ là duy trì các nguyên tắc nhất định, mà còn là duy trì sự tương tác hài hòa giữa cá nhân các thành viên với nhau.

Là một thành viên trong các lớp học này, tôi có vinh dự được chứng kiến ​​hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Tôi đã nghe những tiếng reo vui từ một học trò đã vượt qua được nỗi sợ hãi khi trình diễn trước những người khác. Trong một dịp khác, tôi nhận được một cái ôm ấm áp, đầy nước mắt từ một cậu học trò cuối cùng đã thành công trong việc biểu diễn từ trí nhớ. Nhưng lời tri ân cảm động nhất dành cho các thành viên trong lớp đến từ một chàng trai trẻ, em nói với tôi rằng sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả khi em chơi đàn đã giúp em lần đầu tiên nhìn nhận mình là một người đáng được yêu thương và tôn trọng. Trước tất cả những thành công này, tôi coi các lớp học là một phần thiết yếu của việc dạy các loại nhạc cụ và không ngần ngại giới thiệu cách thức đó cho các giáo viên khác, đặc biệt là những giáo viên gặp khó khăn trong việc thúc đẩy học sinh trò luyện tập.

Khi học trò của tôi bắt đầu cảm thấy an tâm hơn với vai trò là một thành viên trong gia đình âm nhạc của chúng tôi, các em sẽ bắt đầu những cuộc thảo luận sôi nổi sau khi buổi biểu diến kết thúc. Đây có lẽ là phần có giá trị nhất của trải nghiệm trong lớp. Phạm vi chủ đề rất rộng, thường vượt ra ngoài các vấn đề và cảm xúc âm nhạc, và thậm chí chạm đến những vấn đề mà tôi không bao giờ có thể ngờ được. Chẳng hạn, chính trong những cuộc thảo luận như vậy, tôi đã biết được về cảm giác cô đơn và những ảnh hưởng bất lợi của nó đối với việc luyện tập. Tôi cũng biết được những trở ngại khác đối với sự tiến bộ trong âm nhạc như sự ghét bỏ bản thân, những ảnh hưởng tiêu cực của cha mẹ và phương pháp sư phạm, cũng như sự thiếu động lực chung để luyện tập. Tôi bắt đầu quan sát thấy một số học trò của tôi thực sự bộc lộ tác động của những vấn đề này trong cách các em thể hiện trong lớp: các em hoặc là chưa hoàn toàn sẵn sàng luyên tập, không thể hoặc miễn cưỡng để có cảm xúc với âm nhạc khi các em chơi đàn hoặc đôi khi còn tỏ ra hằn học với tôi và những học trò khác của tôi. Tôi cảm thấy đây là những triệu chứng của những cuộc đấu tranh nội tâm sâu sắc và những học trò này thực ra đang cầu cứu. Nếu lặng im trước những bi kịch con người như thế này, trong khi tôi biết rằng những học trò này đang bị tước đi những lợi ích của việc luyện tập mà bản thân tôi từng rất thích, là điều tôi không thể tưởng tượng nổi. Vài năm trước, tôi đã nói với một học trò rằng mục đích duy nhất của tôi khi dạy em là nhằm góp phần góp phần ảnh hưởng tới sự trưởng thành nhân cách của em. Tôi nghĩ bây giờ là lúc để thực hiện ý định này. Vì nếu tôi muốn duy trì hiệu quả của mình với tư cách là một người thầy, tôi sẽ phải tác động đến trái tim và khối óc của học trò, và nói tóm lại là phải làm việc với toàn bộ tính cách của các em.

Mặc dù tôi được đào tạo để trở thành một nhạc sĩ chứ không phải một nhà tâm lý học, nhưng tôi vẫn nhận thức đầy đủ về vai trò của tâm lý học trong mối quan hệ thầy trò. Vì nó là khoa học về tâm trí con người và liên quan cụ thể đến hành vi của con người nên tâm lý học có mối liên quan đặc biệt đến mối quan hệ giữa giáo viên và học trò. Mặc dù đã có rất nhiều sách viết về những gì tạo nên sức khỏe cảm xúc, nhưng về nguyên tắc, các nhà tâm lý học đồng ý rằng nó đòi hỏi sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí trong khuôn khổ một cơ thể hoạt động khỏe mạnh (mặc dù các nhà tâm lý học có xu hướng bỏ bê cơ thể). Trên thực tế, đây là mục đích chính của việc luyện tập. Khi một nghệ sĩ thành công trong việc nắm bắt được ý định âm nhạc của một nhà soạn nhạc, đó không phải là vì nghê sĩ đó đã đạt được sự cân bằng này sao? Nhưng một lần nữa, chúng ta phải rõ ràng về mục tiêu của mình liên quan đến sự cân bằng này và không nhầm lẫn giữa việc nhận thức âm nhạc với việc nhận thức bản thân. Như chúng ta đã thấy, một nhạc sĩ có thể duy trì tốt khả năng cân bằng suy nghĩ, cảm giác và sự khéo léo trong cách chơi đàn của mình mà không nhất thiết phải liên hệ sự cân bằng này với mối quan hệ của mình với mọi người. Khi đó, nhiệm vụ của tôi là chỉ cho học trò của tôi thấy có thể áp dụng quá trình luyện tập vào các lĩnh vực ngoài âm nhạc có lợi như thế nào, hay nói cách khác, nỗ lực rèn luyện nghệ thuật của các em có thể được áp dụng như thế nào để tương tác với “thế giới ngoài kia”. Vì tôi  tin chắc chắn rằng tôi có thể dạy học trò của mình hòa hợp với nhau thông qua các kỹ thuật luyện tập, tôi giải quyết các vấn đề cảm xúc của các em theo cách mà tôi hiểu rõ nhất – thông qua âm nhạc. Tôi bắt đầu bằng cách thuyết phục các em rằng việc các em có tập luyện hay không thực sự quan trọng đối với tôi. Tôi biết rằng một khi tôi giúp các em luyện tập một cách nhất quán và hiệu quả, chính quá trình đó sẽ khôi phục lại sự tự tin của các em. Thật tiệc, tôi đã không thể thành công với tất cả học trò của mình. Tất nhiên, nếu mong đợi cách tiếp cận như vậy có hiệu quả với tất cả mọi người thì vô lý. Tuy nhiên, nỗ lực của tôi với nhiều học trò đã mang lại kết quả vượt xa những gì tôi có thể mong đợi. Những trường hợp sau đây chứng minh mối quan hệ giữa người thầy và học trò dựa trên sự gắn kết với âm nhạc thông qua luyện tập có thể dẫn đến sự tự hòa hợp như thế nào. Tình yêu và sự quan tâm mà tôi dành cho các học trò của mình được khơi dậy từ các em để đáp lại những lời nhận xét thật cảm động, một số trong đó được đưa vào như một phần câu chuyện của các em. Không thể phủ nhận các em đã tâng bốc tôi, nhưng quan trọng hơn, những lời nhận xét đó chứa đựng những hiểu biết sâu sắc có giá trị về mối quan hệ giữa âm nhạc và cuộc sống. Chắc chắn, tôi không thể không vui mừng khi biết rằng tôi, giống như Homer, đã được ví như đứng trên vai một học trò và truyền cảm hứng cho cậu ấy đạt đến những đỉnh cao vĩ đại. Hình ảnh này khẳng định lại mối liên hệ của tôi với người khác.

TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH

Học trò số I (Sợi dây cứu sinh)

Khi học trò số I đến buổi học thứ ba mà không chuẩn bị trước, tôi nghiêm khắc nhìn em và hỏi tại sao em không luyện tập. “Luyện tập?” Em lặp lại câu hỏi với vẻ hoài nghi: “Ý thầy là sao ạ? Luyện tập gì ạ? Khi em thức dậy vào buổi sáng, việc đánh răng hay không là quyết định quan trọng, chứ đừng nói đến việc luyện tập!” Khi tôi nghe em trả lời như vậy và trông em có vẻ đau khổ tột cùng, tôi khó có thể cho rằng em ấy đếm xỉa đến hình ảnh người thầy dạy piano nhìn qua vai em và truyền cảm hứng cho em tập đàn. Tình hình tiếp tục xấu đi khi cậu học trò của tôi ngày càng chán nản vì không thể tự động viên bản thân. Cứ lúc nào em cố gắng có được chút tiến bộ thì sau đó lại quay trở lại tình trạng sa sút. Em giải thích với tôi, vấn đề bắt nguồn từ cảm giác cô đơn tột độ và việc em không thấy có lý do gì để em phải luyện tập. Cuối cùng, khi tình thế đã đến giai đoạn tuyệt vọng, tôi đưa ra tối hậu thư cho em: “Thầy đã suy nghĩ về vấn đề của em từ lâu. Em biết thầy háo hức thế nào để giúp em cố gắng hết khả năng của em. Với tài năng như của em, thầy thấy dường như em không còn lựa chọn nào khác trong vấn đề này. Tài năng của em phải chiến thắng! Thầy nhận thấy rằng em không thể tạo động lực cho mình tập luyện vì rõ ràng là em không có đủ năng lực để yêu quý và tôn trọng tài năng của mình. Hay nói một cách khác, em không yêu và tôn trọng chính mình. Nếu em không luyện tập cho chính mình thì hy vọng duy nhất của em là luyện tập vì người khác. Vì vậy, với tư cách là giáo viên của em, thầy đang tự mình giải quyết vấn đề này. Hoặc là em đồng ý với điều kiện của thầy, hoặc mối quan hệ của chúng ta phải chấm dứt.”  

Tôi cho em vài ngày để suy nghĩ về điều này trước khi tiếp tục. Rốt cuộc, sẽ phải có một bước nhảy vọt về niềm tin đối với một chàng trai trẻ đang gặp khó khăn đột ngột đặt mình vào tay người khác. Sau khi đắn đo về quyết định này, cuối cùng em gọi điện cho tôi để nói rằng em đã đi đến cùng cực và sẵn sàng thực hiện bất cứ điều gì tôi đề xuất.

 Giải pháp mà tôi đưa ra cho em sau đó đã giúp ích cho những học trò khác đang rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Giải pháp bao gồm những điều sau đây: Tôi không chỉ yêu cầu em luyện tập bốn giờ một ngày mà còn yêu cầu em gọi điện cho tôi mỗi sáng, và báo cáo chính xác những gì em dự định hoàn thành. Sáng hôm sau, em phải tái khẳng định cam kết của mình hoặc giải thích lý do tại sao em không thể thực hiện được cam kết đó. Tiếp theo là một cam kết mới cho ngày hôm đó. Sau khi tiếp tục thói quen này ngày này qua ngày khác trong khoảng sáu tháng, lần đầu tiên em thất hứa. Một buổi sáng, khi không thấy em gọi điện cho tôi, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng rằng có lẽ em đã quay lại thói quen cũ. Nhưng đến buổi chiều, Học trò Số I đã gọi điện cho tôi, em bối rối nói rằng em đã quên gọi vì quá mải mê tập luyện. Tôi hiểu đây là dấu hiệu chiến thắng đầu tiên, tôi đề nghị em ấy gọi điện cách ngày. Sau vài tuần, cả hai chúng tôi đều đồng ý rằng em không cần phải báo cáo với tôi nữa.

 Buổi sáng hôm đó, khi em quên gọi điện cho tôi, Học trò số I đã thành công trong việc chuyển giao tinh thần trách nhiệm cho chính mình. Em đã thực hiện bước đầu tiên trong việc chiến thắng sự cô đơn và tìm ra lý do để luyện tập. Trên hết, khi giải thích cho hành động của mình, em cảm thấy có mối liên hệ với ai đó. Tôi rất hài lòng khi nghe em bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn khi, có lẽ là lần đầu tiên trong đời, em có thể tin tưởng vào chính mình. Nhưng hơn thế nữa, em nói với tôi rằng cảm giác liên tục mà em trải qua trong quá trình luyện tập đã khuyến khích em áp dụng lại nó trong các mối quan hệ với mọi người. Mặc dù thành công này không thể giải quyết được tất cả các vấn đề cá nhân của em, nhưng nó cho thấy tiềm năng đạt được những thành tựu trong tương lai của em, cả về âm nhạc và nhân cách. Trong những năm sau đó, em đã trải qua những thành công cũng như thất bại. Cho dù vậy, sự tiến bộ của em nhìn chung vẫn ổn định và nhất quán. Khi tôi viết những dòng này, em đã trở thành nổi tiếng xuất sắc với tư cách là một nghệ sĩ piano và một người thầy. Ý nghĩa thực sự của một trải nghiệm đôi khi chỉ được hiểu sau khi nó diễn ra thực sự. Cảm giác về khoảng cách đã giúp Học sinh Số I đưa trải nghiệm của mình vào một góc nhìn thích hợp. Trong câu nói sau đây, em bộc lộ nỗi day dứt nội tâm của một người vô cùng nhạy cảm, không chỉ miêu tả cảm giác cô đơn mà còn giải thích quá trình giúp xoa dịu nó:

 "Em nhớ cảm giác không ai quan tâm, rằng em đã bị cố tình bỏ rơi. Vì vậy em cảm thấy thoải mái thích làm gì thì làm. Điều này luôn mang hình thức tự hủy hoại vì không có ai ở đó để quan sát hành vi của em, hoặc thậm chí quan tâm đến những gì em đã làm với cuộc đời mình. Bằng cách không luyện tập, em tránh được sự cô đơn. Điều này phát triển thành nhu cầu phòng thủ bản thân bằng cách cản trở nỗ lực của người khác muốn lôi kéo em vào các hoạt động. Việc em trì hoãn các hoạt động đó chỉ làm em thấy cô đơn hơn mà thôi. Khi thầy đưa ra tối hậu thư cho em, em đã bị dày vò bởi những cảm xúc mâu thuẫn. Một mặt, em trải qua cơn thịnh nộ và căm ghét thầy vì đã xâm phạm vùng đất cô đơn thiêng liêng của em. Mặt khác, em không muốn mạo hiểm để rồi mất thầy. Cơn thịnh nộ này càng tăng cao bởi cảm giác tội lỗi của em về cách em đã bỏ bê bản thân. Cảm giác tội lỗi tồi tệ nhất là khi em nhận ra rằng em đã thất bại. Em coi sự cô lập là để làm tê liệt nhận thức khủng khiếp này. Em có thể kìm nén cảm giác đó miễn là không ai bắt em phải khơi dậy nó. Những cuộc điện thoại hàng ngày đã thiết lập một loại kết nối sâu sắc như tình mẫu tử với một nguồn bên ngoài bản thân em. Nhờ những cuộc gọi đó, em đã tìm thấy dũng khí để là chính mình và khám phá tài năng của mình. Như thể có ai đó đang nắm tay em và ở lại với em trong khi em dấn thân vào thế giới nội tâm của chính mình, một địa hạt mà em rất sợ phải bước vào. Nếu không có sự đảm bảo thường xuyên về sự hiện diện của người khác, em đã không thể chịu đựng được sự cô đơn trong công việc của mình. Dần dần em nhận ra rằng em có thể ở một mình lâu hơn mà không có hậu quả tai hại nào. Trên thực tế, việc ở một mình đã khơi dậy trong em cảm giác tự lập và tự trọng đầu tiên. Sau khi thực hiện thành công tối hậu thư của thầy, em phát hiện ra hai sự thật cơ bản về tính cách của mình: một là em phải chịu trách nhiệm về hành động của mình; thứ hai là nhu cầu bản năng để vượt qua sự cô đơn bằng cách cảm nhận được sự kết nối với người khác. Việc cản trở bất kỳ một trong hai sự thật này khiến em cảm thấy xấu hổ và tội lỗi. Cuối cùng, khi thầy buộc em phải lựa chọn, em sẵn sàng từ bỏ sự phòng thủ và chịu đựng sự thật về những thất bại của mình. Thầy thấy đấy, em không thể chịu đựng được việc mất đi thầy giáo của mình - người thực sự quan tâm đến em. Đó sẽ là một địa ngục lớn hơn."

Học trò số II (Cam kết)

Cả bố và mẹ tôi đều hiếm khi thể hiện cảm xúc với nhau. Trong gia đình tôi, cảm xúc không được coi trọng hoặc được ngầm hiểu là không được phép. Vì vậy, khó có thể được thể hiện bản thân trên một nhạc cụ hoặc bằng bất kỳ cách nào khác. Cha nói với tôi rằng ông nghĩ chơi piano là một hình thức buông thả bản thân. Ông thậm chí còn nói với mọi người rằng ông nghĩ tôi phải che giấu tài năng của mình trong suốt quãng đời còn lại. Ngay cả mẹ và chị gái tôi cũng chỉ quan tâm một cách thụ động đến ước muốn theo đuổi sự nghiệp âm nhạc của tôi. Nhưng đối với cha tôi, mọi điều tôi làm để phát triển khả năng âm nhạc đều luôn bị ông phản đối. Ngay cả cho tới bây giờ, tôi vẫn ngại ngùng nói với cha tôi về bất kỳ thành công nào tôi đã đạt được vì tôi biết điều đó sẽ chỉ khiến ông khó chịu. Giờ đây, tôi hiểu rằng điều khiến tôi không thể luyện tập là, trong vô thức, tôi tin vào suy nghĩ không nói ra của cha tôi là tôi chỉ là một đứa vô dụng với tư cách là một con người. Chừng nào tôi không chịu luyện tập thì tôi đã đáp ứng được suy nghĩ đó của ông. Tôi vừa đưa cho cha tôi xem những bằng chứng hiển hiện về thành tích của tôi - chẳng hạn như một buổi biểu diễn thành công - thì ông đã rất khó chịu. Vì việc thể hiện cảm xúc bị coi thường hoặc bị gia đình tôi hoàn toàn phớt lờ, nên tôi dường như luôn làm rung chuyển tất cả mọi người trong gia đình bất cứ khi nào tôi thành công trong việc thể hiện cảm xúc của mình - thông qua âm nhạc. Đối với tôi, thành công nói chung có nghĩa là chơi tốt hoặc chỉ đơn giản là luyện tập.

 Sau khi đọc lại mô tả về tình cảm của một cậu con trai đối với gia đình mình - và đặc biệt là đối với cha mình - bạn sẽ không khó tưởng tượng được cảm xúc của một thầy giáo dạy piano đối với Học trò số II. Khi cậu đến học với tôi cách đây vài năm, cậu ấy không còn động lực để tuyện tập và mối quan hệ với mọi người chỉ làm cậu ấy thấy bất hạnh. Cậu ấy không những không thể chuẩn bị cho bài mỗi khi đến giờ học, mà thậm chí, mỗi khi tham gia các cuộc thi, cậu chỉ tập bài trước vài ngày - những thói quen luôn dẫn đến thất bại của cậu ấy. Tôi nghĩ khi bực bội với một học trò có hành vi như vậy không phải là vô lý. Mặc dù tôi tin vào tài năng đặc biệt của cậu ấy, nhưng cũng dễ hiểu là tôi đã sớm bắt đầu thấy sợ hãi khi gặp cậu ấy. Ngoài sự buồn bực mà cậu ấy đã gây ra cho tôi, mọi việc cậu ấy làm dường như còn làm tăng thêm sự chán nản và đau khổ của chính cậu ấy. Hơn nữa, cậu ấy dường như hoàn toàn không ý thực được hành vi huỷ hoại chính mình cũng như sự buồn bực của tôi mỗi khi tôi gặp cậu ấy. Khi mọi nỗ lực dùng lý luận với cậu ấy đều thất bại, tôi áp dụng một cách tiếp cận mới và dành tiết học tiếp theo của cậu ấy cho một cuộc thảo luận nghiêm túc. Khi cậu ấy ngồi trước mặt tôi, tôi đã nói với cậu ấy như sau: “Em nghĩ tôi có thể ngồi và nhìn ​​tài năng của em bị huỷ hoại trong bao lâu? Thái độ của em đối với âm nhạc là phạm thượng, và cách cư xử của em đối với tôi là xúc phạm. Em đã quay lưng lại với chính mình và mọi thứ khác quan trọng trong cuộc sống của em. Trước tiên, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho hành động của em nữa. Vì vậy, đây là tối hậu thư của tôi: nếu em không viết ra và tuân thủ các cam kết về các mục tiêu cụ thể và chương trình luyện tập trong tối thiểu sáu tháng, tôi sẽ buộc phải ngừng các buổi học của em. Em có một tuần để đưa ra quyết định.”

 Tuần sau đó, tôi căng thẳng không kém gì cậu ấy. Cậu ấy đau khổ không thể tả vì quyết định của mình. Lúc đầu, cậu ấy gọi điện cho tôi để nói rằng cậu ấy không thể vượt qua được và sẽ rời bỏ âm nhạc. Vài ngày sau cậu ấy nói với tôi rằng một lá thư cam kết đã được gửi cho tôi. Nhưng chưa đến hết ngày, cậu ấy lại gọi điện cho tôi và đề nghị tôi xé bức thư đó đi mà không đọc.

Cuối cùng, một lá thư đã đến. Học sinh số II đã có thể cẩn thận xây dựng một kế hoạch mà cậu cam kết sẽ tuân thủ nghiêm ngặt. Ngược lại, tôi hứa sẽ hỗ trợ hết mình để giúp cậu ấy thực hiện cam kết của mình. Đó là một ngày chiến thắng của cả hai chúng tôi và là một bước ngoặt trong cuộc đời cậu. Khi tôi hỏi điều gì đã thôi thúc cậu ấy thực hiện bước tiến tích cực này, cậu ấy trả lời: “Em không muốn mất kết nối với thầy. Hơn nữa, em hiểu tối hậu thư của thầy là bằng chứng cho thấy thầy thực sự quan tâm đến em và muốn em luyện tập, rằng với thầy, việc em có nhận ra tiềm năng của mình hay không là rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên trong đời em có cảm giác như thế này. Em chắc chắn rằng bố mẹ em, các giáo viên khác và thậm chí cả bạn bè của em cũng không bao giờ thực sự quan tâm liệu em có thỏa mãn chính bản thân mình hay không. Nếu họ quan tâm như vậy, thì họ đã khuyến khích em luyện tập rồi.”

Học trò số II đã thực hiện đúng cam kết của mình. Cậu bắt đầu luyện tập chăm chỉ và đã thành công trong buổi biểu diễn đầu tiên của mình. Cậu cho thấy rõ những biểu hiện mình sẽ phát triển thành một nghệ sĩ dương cầm tầm cỡ và cậu hoạch định mục tiêu trước một năm. Thành công với cây đàn piano ảnh hưởng một cách kinh ngạc đến cuộc sống cá nhân của cậu. Cuối cùng, khi cậu học được cách không thỏa hiệp với tài năng của mình, cậu không còn có thể chịu đựng những mối quan hệ hời hợt với mọi người nữa. Cậu ấy nói với tôi rằng việc luyện tập khiến cậu ấy cảm thấy làm việc hiệu quả và mang lại cho cậu ấy cảm giác về giá trị bản thân. Sau khi trải nghiệm điều này, cậu ấy cảm thấy mình sẽ luôn có thể luyện tập được. Hơn nữa, việc học cách sử dụng các nguồn sức mạnh tự nhiên khiến cậu tự tin hơn và có can đảm để giao tiếp với người khác dễ dàng hơn. Cuối cùng, cậu ấy đã được tự do để thỏa mãn sự thôi thúc bên trong muốn thể hiện tính nghệ thuật với tư cách là một nghệ sĩ dương cầm và là một con người.

Học trò số III (Sự hy sinh)

Khi Học trò số III ngồi bên cây đàn piano, cậu ấy tạo ấn tượng như đang hoàn toàn kết nối với âm nhạc - ngay cả trước khi cậu ấy chơi nốt nhạc đầu tiên. Cách chơi của cậu ấy đại diện cho kiểu tổng hợp - cảm xúc, trí tuệ, cơ thể - mà tôi đã đề cập đến trong chương đầu tiên của cuốn sách này. Nhưng không phải lúc nào cậu cũng chơi như vậy. Có lẽ hôm nay cậu chơi hay hơn vì những đau khổ mà cậu phải chịu đựng gần hết cuộc đời.

Cậu bắt đầu học với mẹ mình từ năm tuổi. Điều kỳ lạ là cậu ấy không nhớ bất kỳ giao tiếp nào với cha mẹ mình ngoại trừ giao tiếp thông qua âm nhạc. Vì mẹ cậu giám sát việc luyện tập của cậu mỗi ngày nên cậu nhớ lại một cách sống động mỗi buổi tập khiến cho cậu cảm thấy an toàn và được yêu thương như thế nào. Nhưng khi cậu lên 8 tuổi, mẹ cậu bất ngờ tuyên bố rằng từ lúc đó cậu phải tự mình tập luyện. Hãy tưởng tượng nỗi khổ đau mà cậu phải chịu đựng khi kênh liên lạc duy nhất giữa cậu và mẹ bị chấm dứt một cách đột ngột như vậy. Mới tám tuổi, cậu tưởng tượng rằng mẹ cậu đã hoàn toàn chấm dứt nói chuyện với cậu, và sợi dây cứu sinh đột nhiên bị đứt. Vốn là người ít nói, cậu lại càng trở nên thu mình hơn. Việc luyện tập piano giờ đây tạo ra cảm giác trút sự tức giận và bất bình tới mẹ cậu, vì cậu nghĩ rằng mẹ cậu đã bỏ rơi cậu. Cậu đã hình thành lòng căm thù mẹ mình đến mức cậu ấy nói với tôi: “Em nhớ mình đã mắc rất nhiều lỗi khi luyện tập. Em thậm chí còn nghĩ rằng nếu em mắc đủ lỗi, em có thể sẽ giết chết mẹ em.”

Mười sáu tuổi, khi đến học với tôi, cậu ủ rũ, mệt mỏi và thiếu động lực. Sắc mặt cậu rất xanh xao và đôi mắt cậu không hề có ánh sáng. Cách chơi của cậu phản ánh trạng thái cảm xúc của cậu, lờ đờ, không tập trung và thiếu chi tiết. Tệ hơn nữa, cậu ta trở thành nạn nhân của ma túy và sức khỏe của cậu ngày càng sa sút. Cậu chuyển từ trường này sang trường khác, không thể tập trung vào bất kỳ môn học nào. Cuối cùng, ở tuổi mười bảy, cậu đến bệnh viện có chương trình đặc biệt dành cho những học sinh tuổi thiếu niên có vấn đề về động lực sống. Sau khi được kiểm tra, cậu được chấp nhận nhập viện với một điều kiện: cậu phải hy sinh quyền tự do cá nhân và cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài - không thăm viếng, không thư từ, không nói chuyện điện thoại. Các quy định rất nghiêm khắc, và đó là một quyết định khó thực hiện. Tuy nhiên, vì cậu mơ ước trở thành một nghệ sĩ piano biểu diễn, cậu sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được mơ ước đó.

Trong lần gặp nhau gần đây nhất, cả hai chúng tôi đều bày tỏ sự lạc quan về tương lai. Tôi đã chỉ ra rằng việc cậu quyết tâm tự cứu mình sẽ là yếu tố mạnh mẽ nhất giúp cậu khỏi bệnh. Hơn nữa, tôi và cậu được khích lệ khi biết rằng chương trình phục hồi này được đánh giá cao và cậu ấy sẽ được giao cho những người có năng lực. Tuy nhiên, đó là vẫn là một buổi chia tay buồn bã.

 Sau khi xuất viện một năm sau đó, người đầu tiên cậu gọi điện thoại là tôi. Tôi vui mừng khôn xiết khi nghe tin từ cậu ấy, và trong sự phấn khích, chúng tôi tranh nhau nói. Cuối cùng, sau khi lắng lại, cậu hỏi tôi liệu cậu có thể học piano càng sớm càng tốt không. Tôi vô cùng xúc động, vì tôi cảm thấy rằng lời yêu cầu như vậy - lời đề nghị đầu tiên của cậu ấy sau một năm ở cơ sở phục hồi - cho thấy cậu ấy đã lấy lại được động lực. Khi chuông cửa reo vài ngày sau đó, thật khó để nói ai trong chúng tôi vui hơn ai trong cuộc đoàn tụ. Bề ngoài của cậu ấy không thay đổi nhiều, ngoại trừ một sự khác biệt: cậu trông khỏe mạnh và mắt cậu lấp lán ánh sáng. Tuy nhiên, tính cách của cậu ấy đã trải qua một sự biến đổi đến mức không thể nhận ra. May mắn thay, cơ sở phục hồi có một chiếc đàn piano nên cậu có thể tự mình luyện tập và học biểu diễn. Tinh thần mãnh liệt đầy đam mê khi cậu chơi bản Concerto cung La thứ của Grieg và Fireworks của Debussy đã khiến tôi lặng người, rơi nước mắt.

Giờ đây, ở tuổi 21, Học trò số III đang phát triển thành một nghệ sĩ, mặc dù các vấn đề về cảm xúc của cậu vẫn chưa được giải quyết triệt để. Việc luyện tập của cậu tiếp tục bị chi phối bởi cảm giác tức giận và cay đắng, những gợi nhớ tàn nhẫn về thời thơ ấu của mình. Cho dù cậu có cố gắng vượt qua những cảm giác này đến mức nào thì chúng vẫn xuất hiện hết lần này đến lần khác, đôi khi xuất hiện như những trở ngại không thể vượt qua cho sự tiến bộ của cậu. Khi còn nhỏ, cậu phải ngồi tập đàn một mình, cậu cảm thấy mình không bao giờ có thể thoả mãn được mong muốn của mẹ. Ngay cả bây giờ, khi đã trưởng thành, cậu vẫn tiếp tục cảm thấy không đủ khả năng khi đối mặt với những yêu cầu đơn giản nhất, mặc dù cậu biết một cách hợp lý rằng những gì cậu được yêu cầu phải thực hiện đều nằm trong tầm tay dễ dàng của cậu. Được ban tặng tất cả tài năng bẩm sinh cần thiết cho sự nghiệp âm nhạc, cậu nhận ra rằng mình dễ dàng giành được sự ngưỡng mộ mà không cần phải nỗ lực hết sức mình. Do đó, khi chơi tốt, cậu có xu hướng coi thường những lời khen ngợi, vì cậu biết rằng cậu chỉ mất một khoảng thời gian tối thiểu để chuẩn bị cho một buổi biểu diễn. Tôi đã chỉ ra cho cậu ấy rằng nếu cậu không cố gắng hết sức mình cho tôi và bạn bè của cậu, có nghĩa là cậu thực ra đang từ chối tình yêu và sự tôn trọng dành cho mình, và một cách vô thức cậu chuyển sự oán giận lâu nay của cậu đối với mẹ mình sang chúng tôi. Nhận xét này đã giúp cậu có được cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề của mình, vì nó giúp cậu hiểu được xung đột hiện tại có nguồn gốc từ quá khứ đau buồn của cậunhư thế nào. Mặc dù việc giải thích điều này với cậu không loại bỏ được xung đột nhưng nó giúp cậu có cái nhìn khách quan hơn. Tuy quá trình luyện tập của cậu vẫn chưa nhất quán như cậu mong muốn, nhưng tôi chưa gặp học trò nào tiếp cận nghệ thuật luyện tập với loại trí tưởng tượng đặc biệt như cậu. Mong muốn tiến bộ cùng với những kỳ vọng của tôi dành cho cậu đã mang lại cho cậu sự can đảm để phấn đấu đạt được những mục tiêu cao nhất. Mỗi lần cậu chinh phục được một vấn đề âm nhạc hoặc kỹ thuật và truyền đạt cảm xúc của mình cho người khác khi biểu diễn, cậu lại khẳng định khả năng vượt qua những khó khăn trong quá khứ của mình. Cậu được khích lệ khi biết rằng các bạn học của mình và tôi mong muốn cậu thành công. Chúng tôi tin tưởng rằng một ngày nào đó cậu sẽ vượt qua được vấn đề của mình và chia sẻ nghệ thuật của mình với thế giới.

Học sinh số IV (Lọ bánh quy đã hết)

 Học trò này là một phụ nữ đã có gia đình, nhu cầu rèn luyện và phát triển tài năng đã khiến cô gặp nhiều khó khăn, vấn đề chính là làm thế nào để dung hòa thiên hướng nghệ thuật với trách nhiệm với gia đình. Việc không thể đạt được sự cân bằng giữa tham vọng cá nhân và sự tận tâm với gia đình đã khiến cô phải chịu đựng cảm giác tội lỗi trong suốt phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình. Cô cho rằng mỗi giờ chơi piano là thời gian đáng ra cô phải dành cho chồng con. Cô đấu tranh với những suy nghĩ mâu thuẫn như: “Tôi có nên tập bản Etude của Chopin trong khi lọ bánh quy đã hết không?” hoặc “Chồng tôi sẽ cảm thấy thế nào khi nhận ra rằng anh ấy không thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của tôi, rằng một phần trong tôi chỉ có thể được thỏa mãn khi chơi đàn piano?” Có thời điểm, cô thậm chí còn cân nhắc việc sống một mình để tự do theo đuổi việc học, nhưng ý tưởng này nhanh chóng bị bác bỏ vì cho là ích kỷ. Thay vào đó, cô cố gắng tìm một giải pháp ít quyết liệt hơn. Cô ấy thổ lộ với tôi: “Em rất muốn trở thành một nghệ sĩ biểu diễn, nhưng không muốn phải gây tổn hại cho chồng và các con của em”.

 Sau nhiều năm vật lộn với vấn đề này, cuối cùng cô quyết định hoàn toàn từ bỏ việc luyện tập và nhận lời làm hiệu trưởng một trường âm nhạc. Ở trường, cô cũng dạy nhiều môn âm nhạc khác nhau. Cô giải thích: “Tôi lý giải rằng cách duy nhất tôi có thể thực sự thể hiện trách nhiệm của mình với gia đình là đóng góp vào an toàn tài chính cho gia đình. Bằng cách cống hiến toàn bộ thời gian cho việc giảng dạy và từ bỏ piano, tôi nghĩ ít nhất tôi có thể được gia đình chấp nhận với tư cách là người trụ cột gia đình nếu không phải là một nghệ sĩ." Quyết định của cô kéo dài mười bốn năm. Bằng cách từ chối quyền luyện tập của mình, cô cố gắng thể hiện hình ảnh của mình như một người vợ, người mẹ tận tụy.

Đó là một tính toán sai lầm nghiêm trọng với minh chứng là những kết quả thảm hại. Sức khỏe của cô ngày càng sa sút và cơ thể có những vết lở loét. Trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm ổn định tình hình bấp bênh, cô quyết định (với sự khuyến khích của chồng) từ chức ở trường và quay trở lại luyện tập một lần nữa. Tuy nhiên, cô vẫn tiếp tục dạy thêm cho một số học trò. Năm 1974, ở tuổi bốn mươi, cô mời tôi đến buổi biểu diễn piano, buổi biểu diễn đầu tiên của cô sau mười bảy năm. Mặc dù giai đoạn xung đột nội tâm này vô cùng khó khăn nhưng cô ấy đã thể hiện một cách đáng khen ngợi một buổi biểu diễn khắt khe nhất. Những ngón tay của cô ấy chính xác đến mức thành thạo, nhưng cách chơi của cô ấy có vẻ hạn chế về mặt cảm xúc.

 Lúc đó tôi không nhận ra rằng lời mời đến buổi biểu diễn của cô ấy chính là cách cô ấy tiếp cận tôi để đề nghị học. Nghe cô ấy nói khiến tôi háo hức muốn dạy cô ấy. Tôi cảm thấy tin tưởng rằng một khi cô ấy đặt cây đàn piano vào vị trí thích hợp, cô ấy có thể giải quyết các vấn đề khác của mình dễ dàng hơn. Khi cô ấy đến học bài đầu tiên, tôi bắt đầu bằng cách giải thích mọi cảm xúc phải được tổng hợp bằng những cử chỉ cơ thể tương ứng như thế nào. Sau đó tôi chỉ cho cô ấy cách tạo ra âm thanh thông qua các chuyển động thích hợp khác nhau của toàn bộ cơ thể. Trước đây cô chỉ tập trung vào các ngón tay, chưa biết cách tận dụng các chuyển động thích ứng của cổ tay, cẳng tay và đặc biệt là phần trên cánh tay và thân mình. Những sự kiện về sự tiến bộ của cô ấy thật ấn tượng. Âm thanh của cô ấy trở nên dẻo và vang hơn, đồng thời khả năng âm nhạc của cô ấy đã tìm thấy một kênh để thể hiện bản thân. Khi những nỗ lực của cô mang lại kết quả tích cực như vậy, toàn bộ tính cách của cô đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Tự do về thể xác cũng kéo theo tự do về cảm xúc.

Nhiều tháng sau. Học trò số IV nói với tôi rằng điều đã giúp ích cho cô ấy hơn bất cứ điều gì khác là sự đánh giá mới về sự hoàn hảo và sai sót của cô ấy. Cô đã lớn lên với suy nghĩ rằng sai lầm đơn giản là bị cấm, và tình yêu cũng như sự tán thành chỉ có được bằng sự chính xác, ngay cả khi phải trả giá bằng nội dung cảm xúc. Giống như rất nhiều người có năng khiếu, thời thơ ấu cô đã bị các giáo viên chuyên chế đe dọa. Lúc bảy tuổi, cô theo học tại một trường chuyên nghiệp dành cho trẻ em có năng khiếu đặc biệt, nơi việc luyện tập của cô được giám sát chặt chẽ mỗi ngày. Cuộc gặp gỡ của cô với đạo diễn, người mà cô thường xuyên phải đóng vai, là những khoảnh khắc vô cùng kinh hoàng. Nhưng những buổi độc tấu sinh viên hấp dẫn vào cuối năm lại là những dịp vui vẻ. Cô thích chơi đàn cho mọi người nghe, đặc biệt là trong môi trường trang trọng của khán phòng. Trong một buổi biểu diễn như vậy, cô đã biểu diễn Sonata, Op. 49, số 2 của Beethoven và bị một trục trặc nhỏ. Sai sót xảy ra nhưng không ảnh hưởng đến sự đĩnh đạc của cô cũng như sự đánh giá cao của khán giả đối với lối chơi của cô. Tuy nhiên, chỉ huy dàn nhạc lại có cái nhìn hoàn toàn khác về tình huống này. Anh ta đến gần cô với vẻ đe dọa, gầm lên: "Đừng phạm sai sót như vậy nữa!" Không có gì ngạc nhiên khi tôi gặp cô ấy ba mươi hai năm sau, cô ấy không cho phép mình được chơi Etudes của Chopin thậm chí chỉ gần đúng nhịp độ chuẩn, mãi cho đến khi cô ấy luyện tập một cách chậm rãi trong một năm. Đối với cô, việc mạo hiểm dù chỉ một sai lầm ở nhịp độ chuẩn là điều không thể tưởng tượng được.

Cách tiếp cận của tôi trong việc giảng dạy cô ấy nhấn mạnh đến quyền bày tỏ cảm xúc của cô ấy, cô có thể không đồng ý với tôi nếu cô ấy muốn, và trên hết là quyền phạm sai lầm. Điều này mang lại cho cô sự tự do đầu tiên mà cô từng biết và sự can đảm để đi theo niềm tin của chính mình. Giờ đây cô đã được trang bị sự tự tin có được từ quyền tự do nghệ thuật mới có được - sự tự tin mà sau đó cô chuyển sang cuộc sống cá nhân của mình. Chẳng bao lâu sau, cô trở nên phản ứng tích cực hơn với gia đình mình theo những cách mà cô chưa bao giờ nghĩ là có thể. Cây đàn piano, thứ trước đây khiến cô xa cách gia đình, giờ đây đã trở thành chất xúc tác tạo nên sự kết hợp hài hòa mà cô luôn mong muốn đạt được. Có lần tôi gợi ý với cô ấy rằng việc tập luyện dường như giúp cô ấy khỏe mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần và ở trạng thái này, cô ấy được trang bị tốt hơn nhiều để trở thành một người vợ, người mẹ yêu thương. Giờ đây cô hiểu rằng quyền thể hiện bản thân bên cây đàn piano thực sự mang lại lợi ích cho gia đình cô. Niềm vui mà cô trải nghiệm từ những thành tựu âm nhạc của mình lan tỏa sang chồng con, mang đến cho họ sự thoải mái và thanh thản. Ngược lại, họ cảm nhận được một thế giới, mặc dù tách biệt khỏi họ, nhưng lại mang lại sự cân bằng và hòa giải cho cuộc sống của họ. Cô nói với tôi: “Cuối cùng em đã nhận ra rằng việc chối bỏ bản thân mình không hẳn đã làm gia đình em hài lòng và hạnh phúc. Nhờ quay trở lại với cây đàn piano và chấp nhận các nguyên tắc luyện tập, em khám phá ra điều đó”.

 Bạn không nên cho rằng luyện tập bản thân nó là liều thuốc chữa bách bệnh cho mọi khó khăn trong mối quan hệ. Tuy nhiên, có một số khía cạnh nhất định của việc thực hành có ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ giữa con người với nhau. Ví dụ, trong Chương 11, bạn sẽ phát hiện ra rằng có thể hòa mình sâu vào âm nhạc trong buổi biểu diễn trong khi vẫn lắng nghe chính mình như thể, theo một nghĩa nào đó, bạn là một thành viên trong khán giả của chính mình. Chính loại tính khách quan trong âm nhạc này có thể áp dụng được vào cuộc sống. Bởi một trong những yêu cầu để duy trì mối quan hệ đôi bên cùng thỏa mãn là khả năng khách quan về người mà bạn cảm thấy gần gũi mà không làm ảnh hưởng đến sợi dây cảm xúc mạnh mẽ đã gắn kết  bạn với mọi người. Giống như bạn bị mê hoặc bởi một giai điệu âm nhạc – hay một con người – một phần trong bạn phải đứng sang một bên và chứng kiến một cách khách quan toàn bộ điều kỳ diệu – toàn bộ nhân cách. Bằng cách cân bằng một cách nhạy cảm cảm xúc ban đầu của bạn với nhận biết về những gì bạn cảm thấy, tình yêu của bạn dành cho nguồn gốc cảm xúc của mình sẽ tăng gấp đôi. Học trò số IV đang trong quá trình đạt được tính khách quan này, không chỉ về mặt âm nhạc mà còn ở cách cô ấy đưa nhu cầu trở thành một nghệ sĩ của mình cân bằng với trách nhiệm làm vợ, làm mẹ của mình.

Sau khi luyện tập theo một chương trình mới, Học trò số IV quyết định thực hiện một buổi biểu diễn khác trong cùng phòng hoà nhạc nơi cô đã biểu diễn năm trước. Cô ấy đã mời được cùng một lượng khán giả là gia đình và bạn bè, giờ đây còn có thêm các học trò của tôi, tất cả đều đã trở thành những người hâm mộ cuồng nhiệt của cô ấy. Cô ấy đã chơi như thế nào? Thông thường, tôi sẽ không bao giờ làm phiền người biểu diễn trong giờ giải lao, thậm chí để khen ngợi chỉ để khen ngợi. Khoảng thời gian tạm dừng quan trọng đối với nghệ sĩ hơn là đối với khán giả, vì đó là thời gian nghệ sĩ lấy lại hơi thở và chuẩn bị sức lực của mình cho nửa sau của chương trình. Tuy nhiên, lần này tôi không thể kiềm chế được. Tôi cảm thấy buộc phải nói với Học trò số IV rằng tình yêu tuôn trào qua từng nốt nhạc cô chơi, một món quà cô dành cho khán giả. Nhưng chính cô là người tóm tắt rõ nhất ý nghĩa của sự kiện này. Bằng một giọng đầy cảm xúc, cô ấy chia sẻ với tôi vào sáng hôm sau: "Em đã trình diễn buổi biểu diễn mà em muốn cống hiến cả đời mình." Cô khóc những giọt nước mắt vừa vui vừa buồn. Khi chiến thắng đến sau cả cuộc đời đấu tranh, thành tựu thường mang lại cảm giác buồn vui lẫn lộn. Nhưng trộn lẫn với những giọt nước mắt của cô là sự chiến thắng của tinh thần con người - một chiến thắng đã khuyến khích cô tiếp tục chấp nhận hết thử thách này đến thử thách khác cả trên cây đàn piano và trong cuộc sống cá nhân. Cô ấy nói thêm: "Một mối quan hệ rất giống việc luyện tập ở chỗ bạn không thể bỏ lỡ một ngày nào để chăm sóc nó - giống như tưới nước cho một cái cây. Nó luôn cần sự quan tâm của bạn. Em có nhu cầu phục vụ cả chồng và âm nhạc của em. Sự thật là em không thể sống thiếu anh ấy cũng như không thể sống thiếu đàn piano. Bằng cách đảm bảo với anh ấy điều này, em đã mang lại sự hòa hợp trong cuộc sống của gia đình em."

 Bạn không cần phải là một nghệ sĩ chuyên nghiệp mới hiểu được ý nghĩa của câu chuyện đầy cảm hứng này. Học trò số IV bắt đầu sống như một người hợp nhất khi cô ấy đối đầu với chính mình bằng tài năng của mình. Hai động lực hấp dẫn trong cuộc đời cô — nhu cầu trở thành nghệ sĩ piano và tình yêu dành cho gia đình — tranh giành quyền lực tối cao. Khi chọn cách bỏ bê tài năng âm nhạc của mình, cô đã phủ nhận sự thật về nghệ thuật trong bản thân và do đó phải gánh chịu hậu quả nghiệt ngã cho quyết định của mình. Ngay cả khi bạn đưa ra những ưu tiên trong cuộc sống và đặt chúng theo thứ tự hợp lý một cách có ý thức, cơ thể bạn vẫn nhận ra sự thật cao hơn và phản ứng tương ứng. Chúng ta đã thấy điều này được thể hiện ở Học trò số IV. Vì khi cô xếp tài năng âm nhạc của mình xuống vị trí thứ hai trong thang nhu cầu của mình, những vết lở loét đã phát triển như một lời khuyên răn mang tính biểu tượng, đau đớn, như thể tài năng của cô đang kêu gào được công nhận. Chỉ khi thực hiện quyền trở thành nghệ sĩ dương cầm của mình, cô mới có thể cân bằng các ưu tiên trong cuộc sống của cô.

Học trò số V (Nghệ sĩ dương cầm đến từ Phố Wall)

Ở tuổi bốn mươi mốt, Học trò số V chơi đàn như một nghệ sĩ. Mặc dù cậu ấy là một chuyên gia phân tích đầu tư, cây dương cầm là một phần thiêng liêng và quan trọng trong cuộc đời cậu. Nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy. Cậu kể cho tôi nghe cuộc chiến đấu chống lại hoàn cảnh đã ngăn cản cậu phát triển tài năng âm nhạc của mình. Từ lúc 5 tuổi cho đến lúc cậu học với tôi, chưa có ai chỉ cho cậu cách khắc phục những hạn chế về kỹ thuật. Do đó, cậu cho rằng trừ khi bạn được sinh ra với năng khiếu về kỹ thuật, bạn không bao giờ có thể hy vọng đạt được khả năng chơi đúng kỹ thuật. Cậu ấy rất muốn biểu diễn cho mọi người, nhưng lo ngại về những hạn chế về kỹ thuật của mình đã khiến cậu ấy mất tập trung vào nội dung cảm xúc của bản nhạc mà cậu chơi. Do đó, cậu đã tự tạo ra một hình ảnh sai lệch là các tác phẩm cho piano chỉ đơn thuần là phương tiện để phô diễn kỹ thuật. Và vì cho rằng kỹ thuật của mình kém nên lĩnh vực biểu diễn dường như đã đóng cửa với cậu mãi mãi. Cậu giãi bày với tôi: “Em chưa bao giờ coi việc chơi piano là một trải nghiệm có thể mang lại cảm giác thỏa mãn cho bản thân. Thế cho nên em đã nghe theo lời khuyên của gia đình và theo đuổi sự nghiệp kinh doanh.”

Khi theo học tại Đại học Chicago, cậu đã có trải nghiệm đầu tiên về chơi nhạc thính phòng. Bị cuốn hút bởi vẻ đẹp tuyệt đối của các tác phẩm âm nhạc cổ điển và được truyền cảm hứng từ sự cống hiến của các nhạc sĩ mà cậu chơi cùng, cậu tạm thời quên đi những hạn chế về kỹ thuật của mình và lần đầu tiên cảm nhận được sức mạnh giao tiếp thực sự của âm nhạc. Sự thành thạo của cậu ấy trong lĩnh vực này đã phát triển đến mức vào một mùa hè nọ, cậu ấy đã được nhận vào một lễ hội âm nhạc lớn. Ở đó, cậu học với một nghệ sĩ piano nổi tiếng và tham gia vào biểu diễn nhạc thính phòng. Nhưng ngay cả trải nghiệm này cũng không giúp cậu hoàn toàn coi mình là một nghệ sĩ piano, vì kỹ thuật của cậu vẫn chưa ổn định. Chưa hiểu được tầm quan trọng của âm nhạc trong cuộc đời mình, cậu tiếp tục học đại học chuyên ngành kế toán.

 Năm cậu 26 tuổi, Học trò số V chuyển đến New York với một công việc xuất sắc nhưng không có đàn piano. Một hôm, tôi gặp cậu ấy tại một buổi giao lưu và chơi một vài bản nhạc bốn tay với cậu. Cậu ấy không chỉ là một chuyên gia về đọc dấu hoá trên bản nhạc mà còn là một trong những nghệ sĩ piano có tính nhạc hay nhất mà tôi từng nghe. Sự ngưỡng mộ lối chơi của cậu đã thôi thúc tôi giúp đỡ cậu bằng mọi cách có thể. Cậu ấy công nhận rằng cậu ấy không thể tiếp tục sống hạnh phúc nếu không có cây đàn và với sự nài nỉ của tôi, chúng tôi đã cùng nhau đi đến cửa hàng đàn để chọn một cây đàn piano đứng (upright) loại tốt, cây đàn đã mang đến cho cậu những giờ phút sung sướng bất tận. Nhưng phải mất 12 năm cậu mới nhận ra rằng âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Cuối cùng cậu quyết định học tập nghiêm túc. Sau nhiều năm tìm tòi đã giúp cậu hiểu rằng ngay cả khi không thể trở thành nghệ sĩ piano giỏi nhất thế giới, cậu vẫn có thể hoàn thiện bản thân thông qua âm nhạc.

 Khi cậu dần học được cách điều khiển âm thanh cho những mục đích âm nhạc cụ thể, trí tưởng tượng của cậu bắt đầu bùng cháy. Lần đầu tiên trong đời cậu hiểu được việc luyện tập thông minh có thể mang lại điều gì. Khi các sinh viên của tôi nghe cậu ấy chơi đàn, họ nghĩ cậu ấy là một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp đội lốt nhà phân tích đầu tư. Ngược lại, cậu được hưởng sự an toàn của một gia đình âm nhạc có thể đánh giá cao giá trị thực sự của cậu. Cuối cùng, cậu đã thay thế cây đàn piano đứng của mình bằng một cây đại dương cầm Steinway tuyệt đẹp, và cây đàn mới đã truyền cảm hứng cho cậu lên những tầm cao mới.

 Trong những năm sau đó, cậu đã phát triển mức độ tự tin vượt xa sự mong đợi của mình. Cậu ấy đã nói với tôi: “Trước đây chưa có ai nói với em rằng luyện tập có thể là con đường dẫn đến hạnh phúc. Em chưa bao giờ tin rằng luyện tập lại có thể có tác động tích cực đến em đến vậy. Trước kia, đối với em, tập đàn luôn là một trải nghiệm có tính phá hoại -điều gì đó cần phải tránh. Khi còn bé, khi bạn được bảo, "Đừng làm bẩn!", bạn cố gắng tránh bị bẩn bằng cách không liên quan. Rắc rối là, cuối cùng bạn luôn chỉ ở đứng bên ngoài lề. Cuối cùng em ngẫm ra được từ việc luyện tập là nếu bạn không nhận ra vấn đề và giải quyết chúng thì bạn không thể học chơi piano. Cho dù điều này có vẻ rõ ràng và đơn giản đến mức nào đi chăng nữa, việc áp dụng nó không chỉ tác động đến tiến bộ về âm nhạc của em mà còn cả cuộc sống cá nhân nữa. Tuy nhiên, em không nghĩ rằng em có thể có động lực để luyện tập nếu thầy không quan tâm liệu em có làm được hay không."

Các trao đổi của tôi với Học trò số V đã thôi thúc tôi tổ chức một buổi thảo luận đặc biệt của lớp để tìm hiểu xem các học trò khác của tôi nhìn nhận thế nào về việc luyện đàn. Tôi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng nhiều em trong số họ coi việc luyện tập không gì khác hơn là một sự chuẩn bị nghiêm túc cho các bài học của mình. Một số thậm chí còn bày tỏ một nỗi sợ hãi bí mật, như học trò số V từng có trước đây, rằng các em không bao giờ có thể hy vọng giải quyết các vấn đề kỹ thuật của mình cho dù có luyện tập bao lâu. Do nản lòng mà không dành đủ thời gian cho việc luyện tập, các em khó thể hy vọng đạt được kết quả rõ ràng, nói gì đến việc thể được kỳ vọng sẽ tập trung vào các mục tiêu cao cả hơn việc luyện tập đơn thuần. Tôi quyết tâm làm rõ những vấn đề này cho các em và chuyển hướng cách nhìn nhận của các em để các em thấy rằng luyện tập là một quá trình khám phá chính bản thân mình. Thật không may, tôi không thể sử dụng câu chuyện về học trò số V như một ví dụ về một người đã thấy được lợi ích của việc tập đàn theo cách này. Mặc dù các em trong lớp có nhận thấy trình độ chuyên môn âm nhạc và kỹ thuật của cậu ấy đi cùng với sự phát triển cá nhân của cậu ấy, nhưng họ không chấp nhận là đó là luyện tập là một trong các yếu tố mang lại kết quả đó. Thay vào đó, tôi quyết định hướng cuộc thảo luận về những thiên tài, những người sinh ra với một "cơ chế cơ thể khác thường" cho phép họ chơi bất cứ bản nhạc nào. Tôi đã chỉ ra, các thiên tài thì phải thực hành giống như bất kỳ ai khác. Chúng tôi học hỏi từ họ rằng việc luyện tập trước tiên đòi hỏi phải tìm kiếm những lý giải cho thái độ hoàn toàn bản năng. Vì vậy, những người có năng khiếu nhất sẽ hỏi, "Làm thế nào tôi làm điều đó?" "Điều gì đã làm cho đoạn nhạc đó có thể nghe được?" Trong khi luyện tập, người nghệ sĩ nhìn qua vai của chính mình, có thể nói, và kiểm tra và xem xét lại từng nốt nhạc, đưa ra kết luận củng cố sự tự tin của mình, và rút ra kết luận giúp tăng cường khả năng tự tin của mình: "Tôi chơi nốt Fa giáng nhẹ hơn, chứ không to hơn; tôi nâng cổ tay khi tôi tôi chơi nhẹ dần ở những nốt trill; tôi tăng lực ở cánh tay dưới của mình cho đoạn đó." Toàn bộ quá trình là một quá trình mà người nghệ sĩ tổng hợp các khả năng trực quan, tự nhiên của mình với trí tuệ kiểm soát. Mặc dù anh ta có thể say sưa với tài năng bẩm sinh của mình, nhưng tính chính trực của anh ta mách bảo anh ta rằng một nốt chưa được kiểm tra thực tế là không đáng chơi. "Chà", một học trò của tôi phản biện, "với những thiên tài thì những điều đó là đúng, nhưng làm sao phù hợp được với em?"

Tôi trả lời: “Em phù hợp với bất cứ hoàn cảnh nào em tạo ra cho mình. Nếu em coi trọng tài năng của mình - ý thầy là thực sự coi trọng chúng - thì em sẽ hành động như một thiên tài ngay cả khi em không thể là một thiên tài. Và điều đó có nghĩa là phải chú ý nghiêm túc đến bản thân em. Thay vì viện cớ là em không có khả năng thiên bẩm, hoặc bám lấy quan điểm cho rằng em không cần phải luyện tập tận tâm hay học với một bậc thầy trừ khi em hướng tới một sự nghiệp lớn, hãy coi tài năng của em như thứ gì đó độc nhất của riêng em và hãy phát triển tài năng đó.” Trên tất cả, so sánh tài năng của mình với tài năng của một ai đó thực sự là vô nghĩa như so sánh những vẻ đẹp thiên nhiên được thể hiện trong vô số hình thái khác nhau. Do đó, vì mục tiêu cơ bản của chúng ta là phối hợp cảm xúc, trí tuệ với cơ thể, nên chính từ đó mà lợi ích của việc luyện tập được tích lũy, bất kể bạn có năng khiếu hay không.

Tới điểm này trong cuộc thảo luận, tôi rất xúc động khi đọc một lá thư tôi vừa nhận được từ một học trò, ở tuổi ba mươi chín, vừa mới có buổi biểu diễn đầu tiên. Giống như nhiều người có mặt, cô từng nghĩ mình không có khả năng đạt được trình độ kỹ thuật. Việc biểu diễn theo trí nhớ trước những người khác luôn là điều không thể tưởng tượng được đối với cô. Mặc dù lá thư của cô ấy rất hào phóng ghi nhận công sức giảng dạy của tôi, nhưng thông điệp lớn hơn của nó, mà tôi đã trích ra sau đây, liên quan đến việc luyện tập và những gì nó có thể mang lại cho một nhạc sĩ không chuyên:

 “Em phải viết ra đây để chia sẻ với thầy rằng buổi biểu diễn đã thay đổi cuộc đời của em như thế nào. Sự phát triển âm nhạc qua buổi biểu diến chắc chắn đã mang lại cho em sự ổn định về cảm xúc, sự tự tin và đĩnh đạc hơn những gì em từng biết trước đây. Nhưng hơn bất cứ điều gì khác, chính niềm tin của thầy dành cho em đã khiến em đủ tin tưởng vào bản thân để nắm bắt cơ hội. Bất kể những sai sót trong cách chơi của em, em đã học được từ bước tiến này (có thể là nhỏ đối với mọi người, nhưng lại là lớn lao đối với em), thái độ tích cực có thể đạt được đến mức nào. Em vô cùng biết ơn thầy vì đã dành sự quan tâm cho em, và quan tâm đến một học trò sẽ không bao giờ giành được giải thưởng hoặc trở thành nghệ sĩ piano biểu diễn, không kém gì sự quan tâm thầy dành cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp trong lớp của thầy.”

Bởi vì tài năng là sự tổng hợp của điểm mạnh và điểm yếu, nên mỗi chúng ta cần phải củng cố những điểm yếu của mình. Ví dụ, một người có thể giỏi về mặt kỹ thuật nhưng lại muốn cũng cố nhạc cảm. Quá trình luyện tập của người đó đòi hỏi sự tập trung cao độ vào nội dung cảm xúc của âm nhạc. Mọi người khi luyện tập, dù có năng khiếu hay không, đều phải tìm cách cân bằng nhạy cảm tất cả các khả năng của mình. Không quan trọng bạn chơi hết một hay mười bản nhạc, trong một tuần hay một năm, ở Carnegie Hall hay trong phòng riêng của bạn. Mối quan tâm chính của bạn là trải nghiệm sự cân bằng này thông qua luyện tập, bất kể mất bao lâu và bất kể bạn biểu diễn ở đâu. Một khi bạn tổng hợp được tất cả các yếu tố tạo nên tài năng của mình, dần dần bạn sẽ học được cách áp dụng sự tổng hợp này vào các tình huống không liên quan đến âm nhạc. Với mục tiêu cuối cùng này, tất cả mọi người - chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư - không thể không tiến bộ nhờ luyện tập. Một điều chắc chắn: sự tiến bộ của bạn sẽ tỷ lệ thuận với chất lượng và số lượng nỗ lực đã bỏ ra. Dù không thể nào đạt được trình độ của một thiên tài, thay vào đó bạn hãy lấy cảm hứng từ cách sáng tạo mà anh ta luyên tập và những tiêu chuẩn phi thường mà anh ta duy trì khi biểu diễn. Hãy tìm thấy trong mình sự cống hiến đầy nhiệt huyết mà bạn thấy ở người nghệ sĩ. Hãy yên tâm rằng mặc dù khả năng chơi của bạn có thể không đạt đến trình độ của anh ấy, nhưng việc luyện tập sẽ đem lại cho bạn những lợi ích giống như đối với anh ấy. Có thể nào khác ngoài sự phấn khích khi biết rằng bạn đang tham gia vào một quá trình được chia sẻ bởi những tinh thần bất tử?

 Học trò số V đã học cách áp dụng những nguyên tắc này vào việc luyện tập của chính mình. Trong vài năm gần đây, cậu ấy đã có ba buổi biểu diễn cá nhân, đặc biệt buổi cuối cùng đã vượt qua tất cả những buổi độc tấu khác. Cậu chia sẻ với tôi: “Thật kỳ lạ, và em đã không nhận ra điều đó cho đến khi bắt đầu học tập nghiêm túc, rằng khi em thường ngồi bên cây đàn piano, em chưa bao giờ thực sự lắng nghe những gì mình đang chơi. Em chỉ nghe âm thanh em muốn đạt được. Do đó, em đã bị ngắt kết nối với những gì em thực sự đang thực hiện. Bây giờ em tin tưởng rằng nếu em tiếp tục lắng nghe quá trình luyện tập của chính mình, cuối cùng em sẽ hoàn thành được hình ảnh mà em  muốn đạt được khi chơi đàn."

 Chẳng bao lâu sau, cậu bắt đầu nhận thấy mối tương quan giữa sự phát triển âm nhạc và cuộc sống cá nhân của mình. Khi phát hiện ra rằng những khó khăn trong quá trình chơi piano thực sự có thể được giải quyết, cậu có động lực tiếp cận các vấn đề trong các lĩnh vực khác với cùng mức độ kiên nhẫn và hiểu biết sâu sắc. Nhờ đó, cậu cảm thấy lạc quan và hy vọng hơn về mọi việc mình làm trong cuộc sống. Thực tế, với cậu, âm nhạc và cuộc sống không thể tách rời. Như Theodor Leschetizky, nhà sư phạm vĩ đại người Vienna, đã từng nói: “Không có cuộc sống nếu không có âm nhạc; không có âm nhạc nếu không có cuộc sống”.

Làm chủ một nhạc cụ là một thử thách không ngừng. Đối mặt với thử thách này có nghĩa là đối đầu với chính mình. Bởi vì những khó khăn về âm nhạc và kỹ thuật sẽ luôn tồn tại ở một mức độ nào đó nên cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc. Nhưng sự tự tin đến từ việc biết cách thành công – cách giải quyết các vấn đề và cuối cùng giải quyết chúng thông qua một quá trình. Như Học trò số V đã thổ lộ với tôi: “Đó là cuộc chiến giữa cái tôi của ngày xưa và cái tôi mà em luôn mong muốn trở thành. Thầy đã giúp em nhận ra điều này. Trong tất cả những người em biết, thầy là người dành sự quan tâm lớn nhất cho em với tư cách là một con người và một nghệ sĩ. Em biết điều này chỉ qua cách thầy mở cửa và chào đón em khi em đến học. Thầy đánh giá cao những gì em có thể làm. Các cấp độ tài năng khác nhau giữa các học trò của thầy không phải là vấn đề quan trọng đối với thầy. Những gì thầy và học trò có thể làm việc cho từng trường hợp riêng mới quan trọng đối với thầy. Điều này loại bỏ mọi cảm giác cạnh tranh giữa các học trò. Không phải là thầy không chỉ trích lối chơi của học trò. Tuy nhiên, thầy không bao giờ cư xử tiêu cực với học sinh của mình. Thầy luôn lạc quan về sự phát triển của học trò và đến lượt chúng em đáp lại niềm tin của thầy dành cho chúng em."

Học trò số V đang lên kế hoạch có một buổi công diễn ở New York. Với khả năng chơi đàn của cậu ấy, quyết định đó không có gì phải bàn cãi. Và nếu không có biến động khẩn cấp bất ngờ nào trên thị trường chứng khoán làm cậu ấy phân tâm khỏi cây dương cầm, cậu ấy chắc chắn sẽ biểu diễn thành công.

KẾT LUẬN

Một số bạn bè và đồng nghiệp phàn nàn là tôi đã dành quá nhiều thời gian và sức lực để giúp học trò  giải quyết vấn đề của các em. Họ cho rằng tôi nên sử dụng thời gian đó cho bản thân mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ba phút nói chuyện điện thoại mỗi ngày không phải là một sự hy sinh quá lớn nếu nhờ đó tôi có thể thiết lập được sự cứu cánh với một người mà sức khỏe tinh thần của họ có thể đang bị đe dọa. Hơn nữa, nếu tôi muốn duy trì những nguyên tắc được nêu trong cuốn sách này, trách nhiệm chính của tôi với tư cách là một người thầy là thể hiện sự quan tâm đến sự phát triển cá nhân của học trò.

Theo kinh nghiệm của tôi với tư cách là một giáo viên, tôi chưa bao giờ có một học trò nào không thể hiện sự cải thiện rõ rệt trong cuộc sống cá nhân một khi các em hiểu được ý nghĩa sâu rộng của việc luyện tập. Tuy nhiên, có những lúc ngay cả kiến thức này cũng không thể xóa bỏ được những rào cản nhất định trong việc luyện tập. Nếu giáo viên, gia đình và người thân đều không động viên được bạn thì có thể vấn đề của bạn là do tâm lý. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy ai đó thân thiết không hài lòng với việc luyện tập của bạn (xem Chương 11). Như trong trường hợp Học trò số Ill (Sự hy sinh), việc bạn không thể luyện tập được có thể xuất phát từ sự nổi loạn trong nội tâm chống lại người thân yêu mà bạn không dám trút cơn thịnh nộ của mình. Nhưng một giáo viên quan tâm đến bạn, một người bạn hoặc một nhà tâm lý học có thể giúp bạn giải quyết những vấn đề này, từ đó cho phép bạn sắp xếp năng lượng của mình cho dù chỉ là một phương pháp thực hành tối thiểu. Một khởi đầu khiêm tốn như vậy là tất cả những gì cần thiết, vì một khi bạn bắt tay vào quá trình luyện tập và trải nghiệm sự hài lòng đến từ nỗ lực chân thành, bạn sẽ cảm thấy, giống như Học trò số II (Sự cam kết), rằng bạn"sẽ luôn muốn luyện tập."

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ trong đó thực tế mọi thứ đều rút gọn thành một công thức. Những từ như “quan tâm”, “yêu thương” và “cảm giác” thường bị coi là ủy mị một cách đáng xấu hổ. Tôi lấy làm tiếc về xu hướng này và coi đó là trở ngại chính cho việc luyện tập, và, do đó, cho toàn bộ sự phát triển của con người. Ngay cả bác sĩ cũng thừa nhận

rằng trên cả một mức độ hiểu biết khoa học nhất định, mối quan tâm sâu sắc của một cá nhân thường trở thành yếu tố quyết định sự hồi phục của bệnh nhân. Lịch sử các trường hợp này cho thấy tác dụng có lợi của mối quan tâm đó. Bởi một yếu tố quyết định sự tiến bộ của học trò tôi là việc biết rằng ai đó thực sự quan tâm đến các em và thể hiện sự quan tâm này bằng sự quan tâm thực sự đến thói quen luyện tập của các em.

Học sinh số Ill (Sự hy sinh) đã thể hiện điều này theo một cách khác. Cậu ấy nói với tôi rằng sự tiến bộ của cậu ấy bắt đầu khi cậu ấy đột nhiên nhận ra rằng mọi điều tôi đã truyền đạt với cậu ấy về việc luyện tập đều liên quan cụ thể đến cậu ấy. Như cậu ấy giải thích, cậu ấy thường nghĩ rằng những khái niệm mà tôi đã dày công mổ xẻ với cậu ấy trong các bài học của cậu ấy chỉ mang tính khái quát và không có ý nghĩa cụ thể đối với cậu ấy. Nhưng sau khi tôi liên tục hướng dẫn cậu ấy qua quá trình luyện tập trong mỗi bài học, cuối cùng cậu ấy nhận ra rằng tất cả những gợi ý mà tôi đưa ra thực sự có thể áp dụng được cho cậu ấy và cho tài năng cá nhân của anh ấy. Chỉ khi đó cậu ấy mới có được sự tự tin để tự mình luyện tập theo cách tương tự. Cậu ấy muốn có kết quả và cậu ấy xứng đáng có được chúng. Hướng dẫn cậu ấy trong quá trình luyện tập ngay tại buổi học đã giúp cậu đối diện một cách trung thực với chính mình. Cuối cùng, khi cậu ấy chơi đàn piano những cảm xúc âm nhạc mà cậu ấy luôn hy vọng thể hiện được, sự tôn trọng của cậu ấy đối với bản thân cũng như đối với tôi tăng lên vô cùng. Ngược lại với sự quan tâm mà tôi dành cho Học sinh Số III, sự thiếu quan tâm của hiệu trưởng đối với Học sinh Số IV (Lọ bánh quy đã hết) khiến tôi buồn cho đến ngày nay. Theo đánh giá của ông, một sai lầm không đáng kể của một đứa trẻ tám tuổi đã trở thành mối đe dọa cho danh tiếng của ông. Những cảm xúc và sự tiến bộ của một đứa trẻ rõ ràng là điều ông ít quan tâm nhất.

Vì vậy, yếu tố thiết yếu trong mối quan hệ thầy trò, cũng như trong mọi mối quan hệ, là sự quan tâm chân thành của người này dành cho người khác. Một giáo viên âm nhạc thể hiện sự quan tâm này bằng cách thực sự quan tâm đến việc học trò của mình có luyện tập hay không. Nếu một học trò cảm thấy rằng giáo viên ít hoặc không quan tâm đến sự tiến bộ của mình, em có xu hướng ít quan tâm đến bản thân và người khác hơn. Điều này dẫn đến sự thờ ơ. Để ngăn tình trạng này phát triển, giáo viên phải chú ý tới nhu cầu của học trò, quan tâm đến sự tiến bộ của các em và trên hết là phải có khả năng kiên nhẫn cao độ. Vì có thể phải mất một thời gian dài trước khi một học trò như vậy có thể đáp lại sự tôn trọng và yêu mến của giáo viên. Như những trường hợp lịch sử này đã chứng minh, việc một học trò thoát khỏi giai đoạn bối rối và ngại luyện tập chuyển sang trạng thái tự tin và năng suất là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của bất kỳ giáo viên nào.

Bạn có thể lầm tưởng rằng giáo viên của bạn, giống như cha mẹ bạn, là người duy nhất truyền đạt kiến thức, lời khuyên và sự chỉ dẫn. Nhưng khi giáo viên tư vấn cho bạn về những vấn đề ảnh hưởng đến sự tiến bộ của bạn, bạn sẽ đạt được sự cân bằng trong đó bạn và giáo viên tương tác với tư cách là người cho và người nhận như nhau. Sự trao đổi như vậy đòi hỏi sự giao tiếp bằng lời nói cũng như âm nhạc. Nó sẽ thuyết phục bạn, giống như cậu học trò ngoan cố của tôi ở Chương 1, rằng thầy giáo của bạn quan tâm đến cá nhân bạn không kém gì quan tâm đến tài năng âm nhạc của bạn. Đến lượt bạn, bạn không thể không đáp lại sự quan tâm của thầy giáo bằng cách luyện tập. Bằng cách đó, bạn nuôi dưỡng tài năng của mình và thỏa mãn tối đa nhu cầu cho đi và nhận lại của con người. Hơn nữa, khi luyện tập, bạn đang đặt nền tảng cho sự tự lực và tự do - loại tự do bắt đầu bằng việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc được chấp nhận và kết thúc bằng sự tự tin có được khi thành thạo một nhạc cụ.

 Cuối cùng, không có gì cản trở việc luyện tập hơn là cảm giác không thích hợp. Chẳng hạn, bạn có thể tin rằng bạn không dám luyện tập và biểu diễn một số tác phẩm nhất định chỉ vì lối chơi của bạn không ở đẳng cấp của những nghệ sĩ vĩ đại. Học sinh số V (Nghệ sĩ dương cầm đến từ Phố Wall) đã dành phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình để bác bỏ quan điểm này. Điều thú vị là, chỉ khi anh ấy hành động theo quyền đáp lại tiếng gọi nghệ thuật của mình (mặc dù đó không phải là nghệ sĩ độc tấu với Dàn nhạc giao hưởng New York Philharmonic), việc chơi đàn của cậu ấy mới thực sự đạt đến tiêu chuẩn cao của nghệ thuật thực sự. Học trò số II (Cam kết) có chia sẻ quan trọng về vấn đề này:

Việc nghiên cứu âm nhạc rất khác với những việc theo đuổi khác. Trước hết, em không được trả tiền khi luyện tập bản Sonata của Beethoven. Tất nhiên, việc luyện tập không liên quan gì đến đô la trừ khi bạn được trả tiền để thực hiện. Trước khi em định hướng nghề nghiệp, giáo viên chưa bao giờ khuyến khích em biểu diễn. Họ cho rằng biểu diễn là lĩnh vực riêng của sinh viên chuyên nghiệp - những người giành chiến thắng trong các cuộc thi và đang phấn đấu đạt được sự nghiệp lớn. Ví dụ, một số giáo viên nổi tiếng ở New York không bao giờ cho phép bất kỳ ai ngoại trừ những học trò có năng khiếu nhất biểu diễn trong lớp của họ. Mối quan tâm chính của họ là tạo ấn tượng tốt nhất có thể đối với các học trò khác và khách mời. Vì vậy, nếu bạn không phải là một ngôi sao thì bạn sẽ không bao giờ có cơ hội thi đấu. Họ không bao giờ nghĩ rằng trải nghiệm biểu diễn có thể mang lại lợi ích cá nhân cho một học trò mặc dù em học trò đó không nhất thiết phải chuẩn bị cho sự nghiệp. Tuy nhiên, em phát hiện ra rằng nếu bạn thực sự muốn chơi đàn và kiên nhẫn tìm kiếm, bạn thường sẽ tìm thấy địa điểm và khán giả. Và nếu bạn chuẩn bị tốt, bạn có thể được thu hút lại hoặc thậm chí thu hút được những lời mời tiếp theo. Tất nhiên, phải đến khi em luyện tập em mới nhận ra điều này.

Một yếu tố cản trở khác đối với sự tiến bộ trong âm nhạc là quan niệm sai lầm rằng chỉ những nhạc sĩ có định hướng nghề nghiệp mới xứng đáng được luyện tập nghiêm túc, được học với những giáo viên giỏi nhất và sở hữu những nhạc cụ tốt nhất. Nhưng tình yêu âm nhạc và mong muốn phát triển tài năng của bạn không đòi hỏi bạn phải trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, cũng như việc sùng đạo tôn giáo không có nghĩa là bạn phải đi tu hoặc trở thành một giáo sĩ Do Thái. Điều khiến bạn có quyền học tập nghiêm túc không phải là mục tiêu mà chính là mong muốn thực sự của bạn về kiến ​​thức âm nhạc. Và quyền này thuộc về tất cả mọi người, kể cả người già. Vì, như khoa học tiếp tục cung cấp thông tin cho chúng ta, tâm trí sẽ phát triển chừng nào nó còn được tạo thử thách và kích thích. Nói tóm lại, không có gì cản trở đường đi của chúng ta - nghĩa là không có gì, ngoại trừ những trở ngại do chính chúng ta tạo ra hoặc những trở ngại mà chúng ta cho phép người khác áp đặt lên mình.

Bạn có thể nghĩ rằng sự quan tâm của tôi dành cho học trò đòi hỏi sự hy sinh bản thân quá mức, nhưng thực tế không phải vậy. Những giải pháp mà tôi may mắn tìm ra cho các em thực sự làm giảm bớt nỗi đau khổ của tôi trước thất bại có thể xảy ra của các em. Cảm động trước nỗi đau khổ của con người là một chuyện, nhưng mức độ cảm động của bạn được đo lường bằng hành động bạn thực hiện. Điều này cũng đúng cho việc luyện tập. Ý định tốt có nghĩa là ít. Thay vì đưa ra quyết định, hãy chứng minh bằng chính đôi tay của bạn cách bạn dự định thực hiện những ý định đó. Không làm như vậy thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với giáo viên của bạn, đối với chính bạn và trên hết là đối với nghệ thuật âm nhạc. Không luyện tập khiến bạn khổ sở; nhưng việc tiếp tục không luyện tập có thể cho thấy rằng bạn chưa đủ khổ sở. Như bạn đã thấy trong những trường hợp tôi đã kể ở đây, một học trò có thể phải đối mặt với xung đột sau: “Em đau khổ vì không thể thực hiện được lời hứa về tài năng của mình. Nhưng em sẽ càng đau khổ hơn nếu mất đi người thầy và bạn bè vì sự sao nhãng của mình. Tốt nhất là em nên luyện tập.”

Luyện tập đúng cách không phải là điều dễ dàng. Vì điều này, một số cá nhân có xu hướng lấy hoàn cảnh không may trong quá khứ của họ làm cái cớ cho việc vô trách nhiệm với bản thân và người khác. Nhưng một khi học trò đã học được cách luyện tập, em sẽ không còn thời gian hay thậm chí có ý định ôn lại quá khứ của mình nữa. Học trò đó quá bận rộn để đáp ứng những gì em mong đợi ở bản thân và những gì người khác mong đợi ở em. Những thứ từng là bài tập khó khăn giờ đây trở thành khúc dạo đầu cho niềm vui và thành tựu. Học sinh số I (Sợi dây cứu sinh) đã tóm tắt ý nghĩa của việc luyện tập đối với em khi em ấy chia sẻ với tôi: "Khi em luyện tập đúng cách, em bắt đầu yêu bản thân, nghệ thuật của mình và yêu thầy." Tôi không khỏi đáp lại: “Em không phải là người duy nhất. Khi thầy luyện tập đúng cách, thầy cũng yêu quý em”.

3. SỰ TẬP TRUNG

 TẬP TRUNG TỰ NHIÊN VÀ TẬP TRUNG CÓ CHỦ ĐÍCH

Nếu bạn làm chủ được sự tập trung, bạn sẽ không bao giờ phải cần được hướng dẫn cách luyện tập sự tập trung. Sự tập trung là điều kiện cần thiết cho mọi công việc, đặc biệt là những công việc đòi hỏi kỹ năng cao. Vì chúng ta không thể thực hiện được việc gì đáng giá mà không cần sự tập trung, tốt hơn hết chúng ta nên xác định cách thức để có được sự tập trung. Để tập trung, trước tiên bạn phải hướng sự chú ý của mình đến một điều gì đó cụ thể. Ví dụ, khi luyện tập, bạn cần có ý tưởng rõ ràng về điều bạn mong muốn đạt được. Bạn phải có một mục tiêu cụ thể trong đầu. Bằng cách tập trung sự chú ý vào điều này, bạn sẽ tăng cường khả năng tập trung của mình.

 Có nhiều hoạt động trong cuộc sống mà bạn tự động rơi vào trạng thái tập trung tự nhiên: chẳng hạn, một bộ phim hay có thể mê hoặc bạn đến mức bạn vô tình bị cuốn vào cốt truyện; ở bên người bạn yêu thương truyền cảm hứng cho sự quan tâm mãnh liệt đến mức bạn thường có thể quên mất bản thân mình hoàn toàn; Trẻ em có thể quá mải mê chơi đến nỗi không nghe thấy tiếng cha mẹ gọi. Nói tóm lại, việc quan tâm và tham gia vào những gì bạn đang làm khiến bạn tập trung hơn cả bản thân.

 Trong cuốn sách Liệu pháp Gestalt, một sự so sánh được rút ra giữa sự tập trung có chủ đích và sự tập trung tự nhiên ("lành mạnh, hữu cơ"): Trong xã hội chúng ta, sự tập trung được coi là một nỗ lực có chủ ý, khó khăn và bắt buộc - điều mà bạn buộc mình phải làm. Điều này xảy ra khi mọi người luôn chỉ huy, chinh phục và thuyết phục bản thân theo bản năng hệ thần kinh. Mặt khác, sự tập trung hữu cơ, lành mạnh thường không hề được gọi là tập trung, mà trong những trường hợp hiếm hoi khi nó xảy ra, nó được gọi là sự thu hút, sự quan tâm, sự mê hoặc hoặc sự hấp thụ.

Mặc dù cả hai trạng thái tập trung này đều có tác dụng trong quá trình luyện tập,trạng thái tập trung tự nhiên đem lại kết quả tốt nhất. Nếu bằng cách ép bản thân tập trung, bạn dựng lên một rào cản cản trở sự tiến bộ của mình, bạn có thể lấy đi năng lượng sống cần thiết cho công việc tốt nhất của mình. Vậy làm thế nào bạn có thể tạo ra sự tập trung "lành mạnh, hữu cơ" khi luyện tập? Không cần phải nói, nếu bạn không có tâm trạng luyện tập thì khả năng tập trung tự nhiên sẽ bị ảnh hưởng tương ứng. Tuy nhiên, để tạo ra nó, bạn có thể bắt đầu bằng cách luyện tập có chủ ý hướng tới một mục tiêu cụ thể vào một thời điểm định trước, cho dù bạn có hứng thú hay không. Do đó, bằng cách tuân thủ một thói quen do bản thân tạo ra, cuối cùng bạn sẽ trở nên say mê với những gì mình đang làm đến mức “sự tập trung có chủ ý” của bạn sẽ được chuyển thành “sự tập trung tự phát”. Một yếu tố thiết yếu dẫn đến sự chuyển đổi này là tình yêu vô điều kiện đối với bản nhạc mà bạn mong muốn mình chơi thành thạo.

ĐỌC CÁC KÝ HIỆU DẤU HOÁ

Rất ít hoạt động có thể thu hút sự quan tâm của nhạc sĩ dễ dàng hơn việc đọc ký hiệu. Vì thế, tôi không ngần ngại chọn khả năng đọc tốt là một trong những tài sản quý giá nhất mà một nhạc sĩ có thể có. Một số có tài năng bẩm sinh theo hướng này. Càng khám phá nhiều tiết mục mới, kỹ năng của họ càng trở nên tốt hơn. Đối với tôi, đọc ký hiệu không bao giờ là một việc nhỏ nhặt, mà đó là một thú vui. Tôi nhớ năm mười lăm tuổi, tôi đến thăm Thư viện Công cộng Newark vào mỗi sáng thứ Bảy và loạng choạng về nhà dưới một núi bài tập gam cho piano - những tác phẩm gốc và bản chuyển soạn của các vở opera và giao hưởng. Mỗi khi chuyển đống đồ qua cửa xe buýt là rất khó khăn, nhưng tôi chắc chắn đã cải thiện được khả năng đọc ký hiệu dấu hoá của mình.

Cho dù một số nhạc sĩ có thể háo hức khám phá âm nhạc đến đâu, nhưng nếu thiếu khả năng xử lý ký hiệu âm nhạc thường kìm hãm quá trình khám phá đó. Tôi tin rằng việc khắc phục nhược điểm này phải được ưu tiên hàng đầu trong giảng dạy âm nhạc, không chỉ vì việc đọc các ký hiệu dấu hoá giúp ta nắm bắt được một bản nhạc một cách tổng thể, mà quan trọng hơn, nó rèn luyện trí nhớ và rèn luyện khả năng tập trung. Phải cho đến gần đây khi tôi phải đối mặt với trường hợp một học sinh đặc biệt chăm chỉ nhưng lại không biết đọc các ký hiệu, tôi mới nhận thấy mối liên hệ này giữa khả năng đọc ký hiệu và trí nhớ âm nhạc. Cậu ấy không những không thể thỏa mãn trí tò mò của mình bằng cách đọc qua các bản nhạc, cậu ấy còn thấy việc luyện tập của mình là một quá trình đặc biệt khó khăn. Cậu ấy thậm chí còn không thể đọc hết những bài tôi giao. Để giải quyết các vấn đề của cậu ấy, tôi bắt đầu bằng cách giới hạn khả năng đọc của cậu ấy ở mức độ đơn giản và yêu cầu cậu ấy tuân thủ tất cả các phương pháp tiêu chuẩn để đọc ký hiệu:

1. Trước khi chơi, hãy nghiên cứu bản nhạc một cách im lặng, đặc biệt chú ý đến phím đàn và nhịp.

2. Vỗ tay theo nhịp.

3. Đối với các bản nhạc có phím (âm) có thể phân biệt được, hãy chơi thang âm trong đó

đoạn này được viết để cố định thang âm trong tai bạn.

4. Luôn để mắt đến gam.

5. Đọc từ âm trầm (bass) trở lên.

6. Nhìn về phía trước.

7. Chỉ di chuyển tay khi cần thiết.

3. SỰ TẬP TRUNG

 

TẬP TRUNG TỰ NHIÊN VÀ TẬP TRUNG CÓ CHỦ ĐÍCH

Nếu bạn làm chủ được sự tập trung, bạn sẽ không bao giờ phải cần được hướng dẫn cách luyện tập sự tập trung. Sự tập trung là điều kiện cần thiết cho mọi công việc, đặc biệt là những công việc đòi hỏi kỹ năng cao. Vì chúng ta không thể thực hiện được việc gì đáng giá mà không cần sự tập trung, tốt hơn hết chúng ta nên xác định cách thức để có được sự tập trung. Để tập trung, trước tiên bạn phải hướng sự chú ý của mình đến một điều gì đó cụ thể. Ví dụ, khi luyện tập, bạn cần có ý tưởng rõ ràng về điều bạn mong muốn đạt được. Bạn phải có một mục tiêu cụ thể trong đầu. Bằng cách tập trung sự chú ý vào điều này, bạn sẽ tăng cường khả năng tập trung của mình.

 

Có nhiều hoạt động trong cuộc sống mà bạn tự động rơi vào trạng thái tập trung tự nhiên: chẳng hạn, một bộ phim hay có thể mê hoặc bạn đến mức bạn vô tình bị cuốn vào cốt truyện; ở bên người bạn yêu thương truyền cảm hứng cho sự quan tâm mãnh liệt đến mức bạn thường có thể quên mất bản thân mình hoàn toàn; Trẻ em có thể quá mải mê chơi đến nỗi không nghe thấy tiếng cha mẹ gọi. Nói tóm lại, việc quan tâm và tham gia vào những gì bạn đang làm khiến bạn tập trung hơn cả bản thân.

 

Trong cuốn sách Liệu pháp Gestalt, một sự so sánh được rút ra giữa sự tập trung có chủ đích và sự tập trung tự nhiên ("lành mạnh, hữu cơ"): Trong xã hội chúng ta, sự tập trung được coi là một nỗ lực có chủ ý, khó khăn và bắt buộc - điều mà bạn buộc mình phải làm. Điều này xảy ra khi mọi người luôn chỉ huy, chinh phục và thuyết phục bản thân theo bản năng hệ thần kinh. Mặt khác, sự tập trung hữu cơ, lành mạnh thường không hề được gọi là tập trung, mà trong những trường hợp hiếm hoi khi nó xảy ra, nó được gọi là sự thu hút, sự quan tâm, sự mê hoặc hoặc sự hấp thụ.

 

Mặc dù cả hai trạng thái tập trung này đều có tác dụng trong quá trình luyện tập,trạng thái tập trung tự nhiên đem lại kết quả tốt nhất. Nếu bằng cách ép bản thân tập trung, bạn dựng lên một rào cản cản trở sự tiến bộ của mình, bạn có thể lấy đi năng lượng sống cần thiết cho công việc tốt nhất của mình. Vậy làm thế nào bạn có thể tạo ra sự tập trung "lành mạnh, hữu cơ" khi luyện tập? Không cần phải nói, nếu bạn không có tâm trạng luyện tập thì khả năng tập trung tự nhiên sẽ bị ảnh hưởng tương ứng. Tuy nhiên, để tạo ra nó, bạn có thể bắt đầu bằng cách luyện tập có chủ ý hướng tới một mục tiêu cụ thể vào một thời điểm định trước, cho dù bạn có hứng thú hay không. Do đó, bằng cách tuân thủ một thói quen do bản thân tạo ra, cuối cùng bạn sẽ trở nên say mê với những gì mình đang làm đến mức “sự tập trung có chủ ý” của bạn sẽ được chuyển thành “sự tập trung tự phát”. Một yếu tố thiết yếu dẫn đến sự chuyển đổi này là tình yêu vô điều kiện đối với bản nhạc mà bạn mong muốn mình chơi thành thạo.

ĐỌC CÁC KÝ HIỆU

Rất ít hoạt động có thể thu hút sự quan tâm của nhạc sĩ dễ dàng hơn việc đọc ký hiệu. Vì thế, tôi không ngần ngại chọn khả năng đọc tốt là một trong những tài sản quý giá nhất mà một nhạc sĩ có thể có. Một số có tài năng bẩm sinh theo hướng này. Càng khám phá nhiều tiết mục mới, kỹ năng của họ càng trở nên tốt hơn. Đối với tôi, đọc ký hiệu không bao giờ là một việc nhỏ nhặt, mà đó là một thú vui. Tôi nhớ năm mười lăm tuổi, tôi đến thăm Thư viện Công cộng Newark vào mỗi sáng thứ Bảy và loạng choạng về nhà dưới một núi bài tập gam cho piano - những tác phẩm gốc và bản chuyển soạn của các vở opera và giao hưởng. Mỗi khi chuyển đống đồ qua cửa xe buýt là rất khó khăn, nhưng tôi chắc chắn đã cải thiện được khả năng đọc ký hiệu dấu hoá của mình.

Cho dù một số nhạc sĩ có thể háo hức khám phá âm nhạc đến đâu, nhưng nếu thiếu khả năng xử lý ký hiệu âm nhạc thường kìm hãm quá trình khám phá đó. Tôi tin rằng việc khắc phục nhược điểm này phải được ưu tiên hàng đầu trong giảng dạy âm nhạc, không chỉ vì việc đọc các ký hiệu dấu hoá giúp ta nắm bắt được một bản nhạc một cách tổng thể, mà quan trọng hơn, nó rèn luyện trí nhớ và rèn luyện khả năng tập trung. Phải cho đến gần đây khi tôi phải đối mặt với trường hợp một học sinh đặc biệt chăm chỉ nhưng lại không biết đọc các ký hiệu, tôi mới nhận thấy mối liên hệ này giữa khả năng đọc ký hiệu và trí nhớ âm nhạc. Cậu ấy không những không thể thỏa mãn trí tò mò của mình bằng cách đọc qua các bản nhạc, cậu ấy còn thấy việc luyện tập của mình là một quá trình đặc biệt khó khăn. Cậu ấy thậm chí còn không thể đọc hết những bài tôi giao. Để giải quyết các vấn đề của cậu ấy, tôi bắt đầu bằng cách giới hạn khả năng đọc của cậu ấy ở mức độ đơn giản và yêu cầu cậu ấy tuân thủ tất cả các phương pháp tiêu chuẩn để đọc ký hiệu:

1. Trước khi chơi, hãy nghiên cứu bản nhạc một cách im lặng, đặc biệt chú ý đến phím đàn và ký hiệu về thời gian.

2. Vỗ tay theo nhịp.

3. Đối với các bản nhạc có phím (âm) có thể phân biệt được, hãy chơi thang âm trong đó

đoạn này được viết để cố định thang âm trong tai bạn.

4. Luôn để mắt đến gam.

5. Đọc từ âm trầm (bass) trở lên.

6. Nhìn về phía trước.

7. Chỉ di chuyển tay khi cần thiết.

Mặc dù kiên trì tập theo cách này nhưng học trò của tôi không tiến bộ mấy. Khi tôi quan sát kỹ càng các phản ứng từ cơ thể của cậu ấy đối với ký hiệu - đặc biệt là thời gian hoặc thiếu thời gian giữa các phản xạ mắt-tay của cậu ấy, tôi thấy rõ xu hướng khả năng đọc ký hiệu của cậu ấy còn kém. Để giúp cậu ấy, tôi phải tìm hiểu xem những người có khả năng đọc ký hiệu tốt sẽ làm gì. Quan sát những học trò của tôi có khả năng đọc ký hiệu dễ dàng, tôi tìm kiếm những yếu tố bất biến nhất định trong quá trình xử lý ký hiệu của các em. Tôi nhận thấy rằng trong mọi trường hợp, đôi mắt của những học trò đó chuyển động đoán trước một chút bàn tay của mình; các em nắm rõ phím đàn như thể hiểu rõ địa hình quen thuộc nhất. Tuy nhiên, không em nào trong số những học trò này có thể cho tôi biết bất cứ điều gì về điều gì xảy ra đối với tinh thần của mình. Câu trả lời thông thường là“Em không chắc chắn chính xác điều gì đang diễn ra trong đầu mình”, hoặc, "Khi em nhìn thấy những nốt nhạc trên trang giấy, em dường như chỉ cảm nhận được chúng bằng những ngón tay của mình. Em chưa bao giờ nghĩ ra tên của những nốt nhạc đó cả." Lúc đó tôi chợt tự hỏi bản thân mình nghĩ gì khi đọc ký hiệu dấu hoa.

Nhìn sâu vào tâm trí của chính mình như một người quan sát vô tư không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhất. Nhưng những gì tôi cố gắng khám phá ra không chỉ giúp ích cho học trò của tôi mà còn tạo ra một cuộc cách mạng cho phương pháp dạy đọc ký hiệu của tôi. Ngay khi tôi bắt đầu đọc, tâm trí tôi đã hình dung ra những dòng chú thích trùng hợp với chuyển động tự động của bàn tay tôi. Sự hấp thụ vào tâm trí tôi và ghi nhớ các dữ kiện âm nhạc liên tiếp đã kích hoạt những phản ứng thích hợp của đôi tay tôi. Bằng cách dựa trên kho thông tin khổng lồ được thu thập từ nhiều năm kinh nghiệm, tôi có thể phân tích nhanh các tình huống âm nhạc phức tạp và giảm dần chúng thành những yếu tố đơn giản nhất. Trên hết, tôi thấy mình có thể đoán trước được những gì sắp xảy ra, chẳng hạn như sự lặp lại của mô típ, nhịp điệu và sự tiến triển hài hòa. Khả năng dự đoán các dữ kiện âm nhạc, vốn là kỹ năng chính để đọc ký hiệu, bắt nguồn từ khả năng ghi nhớ, như tôi nhận ra khi quan sát bản thân. Vì vậy, để biết điều gì sắp xảy ra, người ta phải nhớ những gì vừa xảy ra.

Khi học trò của tôi đến học bài tiếp theo, tôi đặt trước mặt cậu ấy một trong những đoạn nhạc do tôi biên soạn cho trình độ trung cấp:

[Trích đoạn bản nhạc]

 

Tôi cho cậu tám giây để rút gọn ô nhịp đầu tiên thành những sự kiện mang tính cấu trúc và lý thuyết đơn giản nhất mà cậu có thể thấy. Sau đó, cậu ấy phải nhắm mắt lại và đọc thuộc lòng bất cứ thông tin nào mà cậu có thể ghi nhớ được, chẳng hạn như:

Âm trầm được giữ trong suốt khuông.

Giọng nữ cao di chuyển ngược lại với giọng nam cao. Tay phải bắt đầu bằng ngón thứ tư tăng cường.

Sau đó, tôi cho cậu ấy tám giây để chơi ô nhịp đầu tiên đồng thời nhìn sang ô nhịp thứ hai để tìm thông tin liên quan. Tất nhiên, điều này có nghĩa là cậu phải thực hiện ô nhịp thứ hai bằng tầm nhìn ngoại vi của mình khi cậu giải mã ô nhịp thứ nhất. Cùng lúc đó, những ngón tay của cậu phải tìm đường di chuyển trên các phím đàn mà không được nhìn xuống phím đàn. Sau đó, tôi yêu cầu cậu ngừng chơi khi kết thúc ô nhịp đầu tiên và chỉ nói lại những dữ kiện cậu hấp thụ được từ ô nhịp thứ hai có liên quan hài hòa hoặc ngắt quãng với ô nhịp đầu tiên. Lúc này cậu đã chùn bước, nhưng với một chút dỗ dành và rất nhiều lời động viên, cuối cùng cậu đã báo cáo như sau:

Âm trầm được kéo sang khuông thứ hai.

Giọng nữ cao di chuyển xuống ba bậc diatonic. Nốt cuối cùng chuyển thành hợp âm Sol trưởng.

 Lần đầu tiên cậu ấy gán tên cao độ cho một hợp âm đã khuyến khích tôi để cậu ấy chơi qua hai ô nhịp đầu tiên trong khi quét nốt ô nhịp thứ ba ở bất kỳ điểm nào mà cậu ấy cảm thấy có thể làm được. Lần này, cậu không chỉ giữ lại những thông tin cụ thể hơn mà còn bắt đầu vận dụng kiến thức lý thuyết của mình, như những nhận xét của cậu về ô nhịp thứ ba như sau:

 Âm trầm, Rê, là điểm nhấn của pedal. Giọng nữ cao, nốt Si, ở quãng thứ ba chuyển sang âm La, biến nó thành một phần của hợp âm Rê 7. Có một giọng nam cao Si'' ở hợp âm cuối cùng bằng cách nào đó có liên quan đến nốt Si bình ở ô nhịp đầu tiên. Nhưng thay vào đó nó không nên được ký hiệu là La thăng sao?

Tôi rất vui khi nhận thấy rằng: “Nếu em có thể đặt câu hỏi về ký hiệu tăng cường, thì em đang lưu giữ được nhiều thông tin hơn mức mà một trong hai chúng ta có thể nghĩ là có thể”. Bây giờ tôi đặt máy đếm nhịp ở J = 60 và yêu cầu cậu ấy đọc toàn bộ đoạn nhạc mà không dừng lại, ngay cả khi điều đó có nghĩa là cậu sẽ bỏ sót nốt. Quan trọng hơn, cậu sẽ phải tiếp tục bình luận liên tục về các dữ kiện liên quan trong khi chơi. Lúc đầu, cậu ấy chỉ nắm bắt được một vài nốt nhạc, nhưng ngay sau đó cậu đã có thể đọc lướt qua một hoặc hai ô nhịp trước khi chơi. Khi cậu ấy ngày càng thành thạo hơn trong việc thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, cuối cùng anh ấy cũng bắt đầu dự đoán những gì sắp xảy ra với độ chính xác cao hơn. Mặc dù ở giai đoạn này anh ấy chỉ có thể thấy trước những điều hiển nhiên - chẳng hạn như nhịp điệu đơn giản và sự phát triển giai điệu không đi chệch khỏi âm điệu đã được thiết lập - tuy nhiên cậu ấy vẫn đang kêu gọi trí nhớ âm nhạc của mình. Nghĩa là, cậu ấy đang giữ lại hình ảnh trong đầu về mẫu giai điệu mà cậu ấy vừa chơi đủ lâu để nó có ý nghĩa âm nhạc đối với cậu ấy. Và trong tích tắc mà tâm trí cậu ấy phải tiếp thu ý nghĩa này, ba điều đã xảy ra: tai cậu phản ứng với âm thanh, bàn tay cậu phản ứng với tín hiệu từ tâm trí, và đôi mắt cậu được tự do nhìn về phía trước. Tất nhiên, đó chỉ là sự khởi đầu. Nhưng nó khuyến khích cậu tiếp tục khám phá những bản nhạc lạ lẫm. Đối với tôi, đó lại là bằng chứng cho thấy tâm trí con người, nếu được kích thích mạnh mẽ, có khả năng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với mức độ bình thường. Để thuận tiện, tôi đã cô đọng quá trình đọc ký được phát triển cho học trò của mình thành một bản tóm tắt những điểm cần thiết sau đây:

I. Các bước sơ bộ

A. Xác định phím đàn và các ký hiệu nhịp.

B. Xác định tất cả các giá trị nhịp điệu và xác định chúng liên quan như thế nào

với nhau, ví dụ [...].

C. Biết rõ âm giai và hợp âm rải, bao gồm tất cả các dạng âm giai thứ.

D. Xác định tất cả các khoảng, nhận biết cách chúng được phân bổ trên các đường và không gian của khuông nhạc. Điều này tạo điều kiện cho sự hiểu biết trực quan:

1. Quãng ba, quãng năm và quãng bảy kéo dài từ dòng này sang dòng khác hoặc từ khoảng này sang khoảng khác.

2. Quáng hai, quãng bốn, quãng sáu và quãng tám kéo dài từ dòng sang khoảng hoặc từ khoảng sang dòng.

[trích đoạn nhạc ]

 E. Nhận biết các hợp âm thuận và hợp âm đảo ngược.

F.  Xác định nhịp điệu, đặc biệt là hợp âm IV, V và I.

II. Các bước tiếp theo để duy trì trí nhớ khi đọc ký hiệu

A. Đặt máy đếm nhịp ở tốc độ chậm.

B. Để máy đếm nhịp gõ hết ô nhạc. Đồng thời, đọc lướt qua ô đầu tiên của bản nhạc và nhắc lại bất kỳ dữ kiện về lý thuyết hay cấu trúc nào mà bạn có thể thẩm thấu được.

C. Giữ mắt không rời khỏi bản nhạc.

D. Khi máy đếm nhịp gõ nhịp, bắt đầu chơi ô đầu tiên, nghe kỹ phần bạn đang chơi. Đồng thời, nhìn lướt qua ô nhịp thứ hai để nắm bắt các thông tin liên quan. Ghi nhớ lại những điều bạn nhận ra trước khi bạn chơi đến ô nhịp thứ hai.

E. Lặp lại các bước này, di chuyển từ ô nhịp thứ hai sang ô nhịp thứ ba và với các ô tiếp theo.

F. Lặp lại các bước từ ô nhịp này sang ô nhịp khác cho hết bản nhạc . Nếu cần thiết thì bỏ qua nốt nhạc nhưng không được dừng lại.

G. Thực hành quy trình này ít nhất 15 phút mỗi ngày, thường xuyên chọn các bản nhạc khác nhau, và trên tất cả, dùng máy đếm nhịp như một công cụ hướng dẫn. Theo thời gian, trí nhớ của bạn sẽ nhạy bén hơn, cảm giác về phím đàn của bạn sẽ trở nên đáng tin cậy hơn và trải nghiệm âm thanh của bạn về các mẫu giai điệu trong các bối cảnh nhịp điệu và âm sắc khác nhau sẽ giúp bạn dự đoán các dữ kiện âm nhạc.

Khi khả năng đọc ký hiệu của học trò tiến bộ từ từ nhưng chắc chắn, tôi không thể không nhớ lại một câu nói trí tuệ trong Talmud: “Tôi đã học được từ học trò của mình”. Chắc chắn, kinh nghiệm từ quá trình tiến bộ của học trò giúp tôi hiểu ra một yếu tố cơ bản trong việc đọc các ký hiệu - đó là, việc đọc ký hiệu huy động trí nhớ âm nhạc nhiều hơn cả mức chính các nhạc sĩ có thể nhận thấy. Trong giai đoạn hiệu quả cao nhất, việc đọc ký hiệu là một hình thức hiểu và ghi nhớ ngay lập tức - không chỉ các ký hiệu dấu hoá, mà còn mọi thứ trên bản nhạc tượng trưng cho âm nhạc. Nói chung, việc đọc ký hiệu phục vụ ba chức năng quan trọng: (1) cho phép phản ứng lập tức đối với toàn bộ tác phẩm, như tôi đã nêu trong Chương 9, việc này rất quan trọng trong giai đoạn đầu của quá trình học tập; (2) hỗ trợ trí nhớ về cảm giác và chuyển động  thông qua việc cảm nhận cảm giác ngón tay trên phím đàn; (3) kích hoạt trí nhớ âm nhạc - là nguyên liệu thô mà từ đó mọi phản ứng của chúng ta diễn ra. Tóm lại, khả năng nhóm các nốt nhạc thành các mẫu, trải nghiệm các mẫu này như các dữ kiện âm nhạc và khám phá ý nghĩa âm nhạc trong các dữ kiện đó cho phép một nhạc sĩ khám phá tâm điểm của bản nhạc mà mình chơi.

 RÈN LUYỆN SỰ TẬP TRUNG

Biểu diễn là kết quả phát triển tự nhiên của tình yêu của bạn dành cho âm nhạc. Cho dù phải tập trung đến mức nào để đạt được mục tiêu này thì phần thưởng sẽ lớn hơn rất nhiều so với những khó khăn mà bạn trải qua. Chính những bước dẫn tới sự tự nhận thức mà bạn nhận ra trong quá trình luyện tập sẽ giúp bạn biểu diễn một tác phẩm âm nhạc trước một hoặc nhiều khán giả.

Bước đầu tiên trong việc học một bản nhạc mới là chơi bản nhạc đó từ đầu đến cuối ngay cả khi điều đó có nghĩa là mắc lỗi. Bởi vì mục tiêu của bạn là nắm bát bao quát ý nghĩa của tác phẩm, nên mọi ấn tượng bạn tiếp thu, dù chỉ thoáng qua, đều quan trọng ở giai đoạn này. Đó là lý do tại sao việc bạn đọc được ký hiệu là rất quan trọng. Liszt, người có khả năng đọc ký hiệu hoàn hảo, thường bỏ qua quá trình này và bắt đầu một tác phẩm mới bằng cách nghiên cứu tác phẩm đó một chậm rãi và chi tiết. Tuy nhiên, với học trò, ông ấy lại yêu cầu học trò luyện đọc ký hiệu hàng ngày để học cách nắm bắt một bản nhạc một cách tổng thể  chứ không chỉ ở những chi tiết nhỏ. Vì vậy, hãy cho phép bản thân mắc lỗi. Nỗi sợ đánh sai nốt, khiến bạn phải dừng lại và bắt đầu lại nhiều lần, cản trở bạn trải nghiệm âm nhạc một cách trọn vẹn. Giải phóng bản thân khỏi nỗi sợ hãi này sẽ giúp bạn hoạt động tốt hơn nhiều so với những gì bạn mong đợi. Bạn sẽ rất vui vì bạn sẽ mắc ít lỗi hơn. Nhờ đó, bạn sẽ nắm bắt được tác phẩm như một cấu trúc tổng thể, đồng thời cảm nhận được nội dung cảm xúc của bản nhạc đó. Bạn không cần thiết phải phân tích trong giai đoạn sơ bộ này. Chỉ cần tiếp thu những cảm xúc tự nhiên của bạn về tác phẩm mà không ngăn cản những gì có thể xảy ra với bạn trong quá trình đọc. Chẳng hạn, khả năng tiếp thu có nghĩa là bạn đón nhận và tận hưởng bất kỳ sự hiểu biết nào về hình thức và nội dung được bộc lộ trong quá trình bạn khám phá tác phẩm. Nhưng nếu sự hiểu biết ban đầu này không xảy ra một cách hoàn toàn tự nhiên thì cũng không phải cố gắng tìm kiếm nó. Thay vào đó, hãy để âm nhạc đến với bạn mà không bị cản trở bởi sự phân tích. Vì tính chất phức tạp cao, một số tác phẩm đương đại rất khó đọc và do đó không thể tiếp cận theo cách tôi đã mô tả. Để nắm được nội dung của những tác phẩm đó, bạn nên nghiên cứu chi tiết trước khi tiến hành đọc toàn bộ tác phẩm.

Sau khi bạn đã nắm được cảm nhận chung về toàn bộ tác phẩm, đã đến lúc tập trung vào các mục tiêu nhỏ hơn. Chơi lại bản nhạc (bạn sẽ chơi lại bản nhạc đó thường xuyên nếu cần để thỏa mãn sự tò mò của mình về bản nhạc đó), nhưng lần này hãy tập trung vào các ô nhịp khó về mặt kỹ thuật. Hãy dùng bút chì khoanh lại những ô nhịp đó khi bạn đã hoàn thành. Những ô nhịp được khoanh lại này giờ đây trở thành mục tiêu được tập trung nhiều hơn. Hãy nghiên cứu kỹ các ô nhịp này để tìm ra thế ngón tay thoải mái cho bàn tay của riêng bạn. Chopin nghĩ rằng mọi thứ đều phụ thuộc vào cách đặt thế ngón tay tốt. Hầu hết những nghệ sĩ biểu diễn đều đồng ý rằng việc đặt thế ngón tay tốt là điều kiện thiết yếu trong việc thể hiện âm nhạc trên một nhạc cụ, vì nó không chỉ mang lại cho bạn sự dễ dàng và chính xác ở nhịp độ nhanh mà còn mang lại sự thoải mái và kiểm soát ở những đoạn chậm. Tuy nhiên, một số nghệ sĩ chơi nhạc cụ cố ý bỏ qua việc tìm hiểu thế đặt ngón tay cho những bản nhạc có nhịp độ chậm, cảm xúc từ bản nhạc đó khiến họ áp dụng bất kỳ thế ngón tay nào “mà thấy tiện lúc đó”. Tôi tin rằng điều này giải thích tại sao những người biểu diễn này có xu hướng bị vấp nhiều hơn khi chơi các bản nhạc có tiết tấu chậm so với khi chơi các bản nhạc có tiết tấu nhanh. Vì nếu mỗi lần bạn chơi cùng một đoạn nhạc bạn lại sử dụng một thế ngón tay khác, phản xạ của bạn không thể lưu trữ các thói quen an toàn để bù đắp cho trí nhớ của bạn.

Thật kỳ lạ, bạn không nhất thiết phải tạo thế ngón tay tốt bằng cách luyện tập một cách chậm rãi một đoạn khó. Những gì bạn có thể cảm thấy thoải mái ở nhịp độ chậm có thể không có tác dụng gì khi bạn chơi nhanh hơn. Do đó, mặc dù bạn không thể xử lý một đoạn nhạc mà bạn thấy khó khăn một cách hoàn hảo khi tăng nhịp độ, nhưng hãy thử nó nhanh hơn. Táo bạo! Ngay cả khi bạn mắc lỗi, bạn vẫn sẽ tìm hiểu xem liệu thế ngón trong bản nhạc bạn có  hay cách mà bạn và giáo viên của bạn nghĩ ra cuối cùng có hiệu quả hay không. Một lần nữa, đừng quá lo lắng nếu có sai sót xảy ra. Hãy nhớ rằng bạn đang làm việc trong một quy trình và việc chơi một bản nhạc theo đúng nhịp độ, ngay cả khi có lỗi, chỉ là một bước trong quy trình này. Bên cạnh đó, khi bạn lo lắng cố gắng tránh mắc lỗi, bạn không chỉ khiến bản thân mất tập trung vào những giá trị âm nhạc mà còn tạo ra những căng thẳng mà sau đó khó loại bỏ. Mục tiêu của bạn là sự hoàn hảo và tất cả các bước trong quá trình này sẽ dần dần dẫn bạn đến mục tiêu đó.

Một khi bạn đã khám phá ra các thế ngón đáng tin cậy, bạn đã sẵn sàng luyện tập chi tiết hơn. Tuy nhiên, hãy thận trọng khi bạn tập cẩn thận vì sự tập trung tập trung hơn có thể dễ dàng khiến bạn chệch hướng khỏi ý định ban đầu - ý định trở nên say mê với nội dung cảm xúc của bản nhạc. Khi bạn tiến hành luyện tập các đoạn khác nhau trong các phần ngày càng nhỏ hơn, lặp lại chúng với nhịp độ chậm và nhanh, hãy nhớ rằng việc luyện tập một cách máy móc, nếu không có cảm giác, có thể tạo ra độ chính xác nhưng không tạo ra âm nhạc. Vì lý do này, đôi khi cần phải từ bỏ mọi thao tác luyện tập chi tiết và hãy chơi toàn bộ bản nhạc. Suy cho cùng, bạn sẽ chỉ hiểu được ý nghĩa âm nhạc của từng đoạn nhạc khi bạn liên hệ đoạn nhạc đó với cấu trúc lớn hơn mà đoạn nhạc đó là một phần trong cấu trúc đó. Do đó, việc chơi xuyên suốt bản nhạc sẽ củng cố không chỉ tình yêu của bạn với tác phẩm mà còn cả cảm xúc của bạn về tác phẩm đó như một tổng thể thống nhất. Vì chính mong muốn thể hiện toàn bộ tác phẩm âm nhạc này đã thúc đẩy bạn làm việc trên các chi tiết với sự tập trung thực sự. Do đó, bạn xây dựng các thế tay quen thuộc cho tứng nốt từng nốt một, tổng hợp lại cac thế tay đó thể hiện quan niệm của bạn về toàn bộ tác phẩm giống như cách một kiến trúc sư chuyển đổi hình ảnh một tòa nhà lớn thành các thông số kỹ thuật chi tiết của bản thiết kế.

ĐỘNG CƠ TỰ LÁI

Sau khi lặp đi lặp lại liên tục thói quen nhỏ và lớn, một quá trình kỳ diệu gọi là hành động phản xạ sẽ diễn ra. "Động cơ tự lái”, như một người bạn của tôi ví von, cuối cùng sẽ trở thành trụ cột của bạn khi bản biểu diễn từ trí nhớ. Điều xảy ra là trong khi bạn đang tập trung vào những mục tiêu cụ thể, một tổ hợp xung động được đưa vào não bạn - chiếc máy tính hiệu quả nhất do tự nhiên sinh ra. Khoảng thời gian giữa lần đầu tiên tiếp xúc lới một tác phẩm và thời điểm "động cơ tự lái" tiếp quản ở mỗi người sẽ khác nhau. Biết được điều này sẽ giúp bạn kiên nhẫn. Tuy nhiên, để quá trình này xảy ra, hãy đảm bảo rằng bạn nhập thông tin chính xác vào máy tính của bạn. Ví dụ, bạn có thể bị cám dỗ để né các bước sơ bộ trong quá trình tiếp xúc với tác phẩm, tức là đọc các ký hiệu một cách chắc chắn. Nhưng nếu bạn né tránh các bước đó, bạn tiếp tục dùng ngón tay tuỳ tiện, các mẫu nốt không theo quy luật và nhịp điệu bị bóp méo vào máy tính của bạn trong một khoảng thời gian quá dài, bạn sẽ thực sự mắc lỗi và hành động phản xạ, đúng với hình thức, sẽ thể hiện lại một cách trung thực sự lộn xộn đó.

Ở Chương 1, tôi đã nêu rằng luyện tập là một quá trình tổng hợp những suy nghĩ, cảm xúc và chuyển động cơ thể. Do đó, khi cảm xúc của bạn được chuyển thành hoạt động cơ bắp, hệ thống phản xạ hoặc điều khiển tự động của bạn không chỉ được cung cấp các xung động vật lý mà còn cả những cảm xúc tiềm ẩn bên trong các hoạt động đó. Sự thật này cực kỳ quan trọng và việc hiểu nó sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sau: đừng bao giờ tiếp cận một đoạn nhạc một cách thuần túy máy móc; thay vào đó luôn có một ý định mang tính cảm xúc. Điều này không có nghĩa là bạn nên để cảm xúc của mình thống lĩnh. Mà đúng hơn, bạn phải luôn cố gắng cân bằng giữa suy nghĩ và cảm xúc.

 Nhiều người chơi nhạc cụ cho rằng họ phải luyện tập một cách khô khan và máy móc để xây dựng kỹ thuật âm thanh và cảm xúc sẽ được bồi vào sau cùng, giống như lớp kem phủ trên một chiếc bánh. Liên quan đến điều này, Liszt đã khuyên học trò của mình là Valerie Boissier không nên tập các bài tập một cách máy móc, “vì tâm hồn luôn phải cố gắng thể hiện chính mình”. Khi bạn tổng hợp các cảm xúc với chuyển động của cơ thể khi luyện tập, bạn có thể để cho phi công tự động trong bạn tạo ra lối chơi đẹp mắt.

 Mục đích lớn nhất của việc tập trung là bạn nhận thức được những gì bạn cảm nhận trên mỗi nốt nhạc bạn chơi. Nhận thức như vậy sẽ đưa bạn đến gần hơn với ý định của nhà soạn nhạc. Giống như cảm xúc được đưa vào phản xạ của bạn thông qua cơ bắp; ngược lại, điều tương tự cũng đúng với cách chơi máy móc, khô khan. Điều này giải thích trường hợp của người nghệ sĩ dương cầm luyện tập chăm chỉ với những ngón tay gõ cao và chỉ thành công trong việc điều hòa cơ bắp của mình hoàn toàn không có nhạc cảm. Cuối cùng, khi biểu diễn, ý định thể hiện cảm xúc của nghệ sĩ đó bị hạn chế bởi phản xạ của mình. Làm sao có thể khác được? Hệ thống phản xạ đang tuân theo đúng với bản chất của nó, những mệnh lệnh mà nó nhận được sau nhiều giờ làm việc máy móc khô khan. Điều này giải thích tại sao nhận biết cảm xúc phải cần phải là mối quan tâm hàng đầu của bạn, cả khi chơi piano cũng như trong các hoạt động khác của bạn. Chương tiếp theo tôi dành riêng cho phần cảm xúc.

XEM XÉT KỸ HƠN VỀ LỖI

Hầu hết các nhạc sĩ đều đồng ý rằng các nghệ sĩ trẻ chơi nhạc trong thế kỷ 20 thể hiện tiêu chuẩn xuất sắc chưa từng có trong lịch sử nghệ thuật biểu diễn. Bạn chỉ cần nghe một trong các vòng thi quốc tế là có thể nhận ra tiêu chuẩn này cao đến mức nào. Các bản ghi âm thậm chí còn có tiêu chuẩn cao hơn vì kỹ thuật ghép nối giúp loại bỏ mọi lỗi trong bản trình diễn. Vì điều này, những người yêu âm nhạc vốn quen nghe những bản ghi âm không mắc lỗi sẽ bị sốc khi có nghệ sỹ thỉnh thoảng chơi sai một nốt trong một buổi hòa nhạc.

Xã hội dạy chúng ta rằng sai sót là không thể chấp nhận được. Điều này có thể tốt hoặc xấu. Ví dụ, có xu hướng trao giải nhất trong các cuộc thi cho một thí sinh chơi hoàn hảo mặc dù thí sinh đó không thể hiện nhiều trí tưởng tượng như những thí sinh khác và vượt qua thí sinh biểu diễn giàu trí tưởng tượng nhưng lại mắc quá nhiều lỗi. Nhưng tại sao một người biểu diễn giàu trí tưởng tượng lại mắc lỗi? Liệu người đó có sẵn sàng hy sinh sự chính xác để đổi lấy sự nhạy cảm giống như một người biểu diễn tỉ mỉ cố gắng đạt được sự hoàn hảo về mặt kỹ thuật là mục đích cuối cùng không? Cả hai thái cực đó đều không tốt. Những nốt sai sẽ cản trở thông điệp âm nhạc, nhưng việc hy sinh cảm giác âm nhạc để đánh đúng từng nốt cũng tệ không kém. Cố gắng chơi nốt nhạc hoàn hảo mà không có cảm xúc cũng có thể so sánh với việc phấn đấu đạt điểm A ở trường là mục đích cuối cùng. Một lý do để theo đuổi sự hoàn hảo bằng mọi giá là để đề phòng khả năng thất bại. Suy cho cùng, thất bại có thể gây ra những hậu quả khó chịu: một sai lầm trong bài kiểm tra sẽ dẫn đến điểm thấp; bố mẹ bạn có thể vỡ mộng về bạn; sự thiếu sót trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao có thể làm lung lay sự tự tin của bạn. Nói cách khác, việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn bên ngoài có thể khiến người khác không chấp nhận và đánh giá thấp bản thân bạn.

 Nếu một nghệ sĩ chơi “nhiều nốt sai hơn số lá mùa thu ở Adirondacks,” như một nhà phê bình đã mỉa mai nói về buổi ra mắt của một nghệ sĩ piano tại Carnegie Hall, thì màn trình diễn của nghệ sĩ đó thể hiện sự thiếu chuẩn bị. Có lẽ người đó đã xác định sai thời gian cần thiết để chuẩn bị một buổi biểu diến; có lẽ tác phẩm mà người đó biểu diễn vượt quá khả năng của mình. Tất nhiên, người đó có thể đã bị căng thẳng khi biểu diễn. Khi một nghệ sĩ phục hồi sau cú sốc vì bị đánh giá kém hoặc một học sinh đối mặt với thực tế bị điểm kém, người đó phải trả lời lương tâm của mình: “Mình đã chuẩn bị tốt nhất hay chưa?” Một số nghệ sĩ chuẩn bị không đầy đủ bằng cách nhồi nhét việc luyện tập vào phút chót hoặc luyện tập không đủ giờ mỗi ngày trong một khoảng thời gian kéo dài. Những người khác không bao giờ học được cách tập trung đúng cách trong quá trình luyện tập và kết quả là họ thậm chí còn mắc nhiều lỗi hơn so với khi họ bắt đầu. Sai lầm cũng có thể là triệu chứng của việc bạn đang phấn đấu hướng tới những mục tiêu không thực tế. Giả sử bạn có một người bạn chơi nhanh hơn và xuất sắc hơn bạn. Màn trình diễn của bạn cũng xuất sắc miễn là bạn chơi chậm hơn và nhẹ nhàng hơn một chút; nhưng bản chất cạnh tranh khiến bạn quyết tâm không chỉ sánh ngang với thành tích của bạn mình mà thậm chí còn vượt qua bạn mình. Nếu kết quả bạn nhận được “nhiều lá rơi” hơn bạn tưởng tượng, điều đó có nghĩa là mục tiêu của bạn không tương đồng với khả năng của bạn. Trong trường hợp này, việc mắc lỗi là dấu hiệu cho thấy bạn đang phấn đấu vượt xa khả năng hiện tại của bản thân. Tuy nhiên, một buổi trình diễn xuất sắc có thể thử thách bạn nếu nó đóng vai trò là hình mẫu để bạn noi theo. Thử nghiệm có thể cho bạn biết liệu những lỗi mà bạn mắc phải chỉ là tạm thời hay mục tiêu của bạn thực sự không thực tế. Đôi khi những mục tiêu quá tham vọng là do người khác áp đặt cho bạn. Giáo viên hoặc phụ huynh có thể mong đợi bạn tuân theo một tiêu chuẩn mà họ cho là phù hợp nhưng lại không lý tưởng cho bạn. Khi đó bạn sẽ mắc lỗi.

Khi khán giả tưởng tượng của bạn lởn vởn xung quanh bạn, tượng trưng cho những tiêu chuẩn âm nhạc cao nhất, bạn phải đánh giá những tiêu chuẩn đó trong mối tương quan với khả năng hiện tại của mình. Việc đánh giá như vậy sẽ cho phép bạn xác định không chỉ nguyên nhân mắc lỗi của bản mà còn cả giới hạn về khả năng chấp nhận của họ đối với bạn cũng như đối với những người khác. Ví dụ: những lỗi của bạn cho thấy bạn thiếu luyện tập nghiêm túc hay xuất phát từ khả năng mắc lỗi trong giai đoạn đầu học một bản nhạc? Liệu những lỗi đó có bóp méo ý định âm nhạc hay chỉ đơn thuần là những sơ suất không đáng kể mà ngay cả một nghệ sĩ biểu diễn điêu luyện cũng có quyền mắc phải? Giả sử rằng bạn đã luyện tập tận tâm thì một sai lầm thỉnh thoảng sẽ không làm bạn và khán giả xao nhãng khỏi ý định âm nhạc của bạn cũng như không làm giảm đi lòng tự trọng của bạn. Trên thực tế, chính ý thức của bạn về việc chuẩn bị tốt nhất cho không chỉ giúp bạn lấy lại phong độ trong vài giây sau khi mắc lỗi mà còn có thể chơi các ô nhịp sau thật hay để xua tan mọi ký ức về lỗi mình đã mắc. Việc bạn có thể làm được điều này chính là bằng chứng cho sự chính trực của bạn và sự cống hiến cho nghệ thuật của bạn. Ngoài ra, những lỗi không đáng kể như vậy thường khiến bạn buồn lòng hơn người khác.

Tôi có một người bạn họa sĩ đã xây dựng một phương pháp vẽ tương tự như mọi điều chúng ta đã thảo luận liên quan đến quá trình luyện tập đàn. Mối quan tâm chính của anh ấy, giống như của bạn, là nắm bắt được toàn bộ cảm xúc về đối tượng mà anh ấy vẽ. Vì vậy, anh ấy không rời mắt khỏi đối tượng của mình, anh ấy tạo ra một bản ký hoá tự do và ngẫu hứng trên tập giấy của mình. Thay vì xem lại bản ký hoạ này, anh ấy xé nó đi và vẽ thêm mười chín bức nữa. Cuối cùng, anh ta nhìn vào bản ký hoạ thứ hai mươi và sau đó tập trung vào các chi tiết - cũng giống như những gì bạn đã được khuyên nên làm trong quá trình luyện tập của mình. Bằng cách xua tan nỗi sợ mắc phải những tính toán sai lầm trong giai đoạn đầu vẽ, anh ấy đã duy trì được tính ngẫu hứng nghệ thuật của mình và thực sự thành công trong việc ký hoạ chính xác hơn.

Không ai thích mắc lỗi, dù lỗi nhỏ đến đâu. Tuy nhiên, những bước bạn thực hiện để loại bỏ lỗi sẽ dẫn bạn đến mục tiêu cuối cùng là làm chủ bản thân hoặc khiến bạn luôn chỉ xoay quanh những chi tiết vô nghĩa. Bạn phải thường xuyên làm mới tinh thần của mình bằng cách hòa mình vào trật tự hài hòa của âm nhạc, giống như một họa sĩ chiêm ngưỡng sự hòa hợp trong một bức tranh của Raphael. Sự hoàn hảo mà bạn cảm nhận được trong âm nhạc tuyệt vời sẽ trở thành tiêu chuẩn để bạn hướng tới công việc của mình. Sau khi áp dụng tiêu chuẩn như vậy, bạn sẵn sàng dành mọi sự chuẩn bị cần thiết để đánh giá công bằng cho một tác phẩm nghệ thuật. Khi bạn tập trung đúng mức trong quá trình luyện tập, sự nhạy cảm của bạn sẽ hòa quyện với trật tự cao siêu vốn có của âm nhạc. Lý tưởng nhất là trật tự đó không chấp nhận lỗi. Tuy nhiên, chúng ta cũng chỉ là con người và miễn là chúng ta luyện tập đúng cách thì bất kỳ lỗi nào chúng ta mắc phải cũng sẽ không đáng kể nếu xét theo thành tựu nghệ thuật đích thực.

ĐỌC MỘT CÁCH KỸ CÀNG TỔNG THỂ VÀ TỪNG CẤU PHẦN  

Một buổi tối, tôi mời một số bạn bè và học trò đến gặp nhà soạn nhạc nổi tiếng, cố nhạc sĩ Alexander Tcherepnin, nhân dịp một bản thu âm các tác phẩm của ông mới được phát hành. Có lúc trong buổi tối đó, ông ấy đến chỗ đàn piano và chơi một loạt hợp âm, và giải thích rằng: “Tôi vừa giảm tám ô nhịp đầu tiên của Bản giao hưởng Sao Mộc thành một tiến trình hợp âm hài hòa (harmonic progression). Nhưng việc phân tích những hợp âm này sẽ không giúp chúng ta đến gần hơn với sự hiểu biết về âm nhạc." Sau khi vị khách quý của chúng tôi đi rồi, tôi phát hiện ra điều đã gợi lên nhận xét có phần ấn tượng của ông ấy: ông ấy đã thảo luận về tầm quan trọng của việc duy trì phản ứng cảm xúc với âm nhạc trong suốt quá trình phân tích chi tiết. Không phải là ông ấy không tán thành việc phân tích hợp âm hài hoà. Ngược lại, ông coi nó là điều cần thiết và thậm chí còn dạy một khóa về chủ đề đó trong nhiều năm. Điều mà ông ấy muốn truyền tải qua nhận xét ấn tượng của mình là tình yêu của chúng ta dành cho Bản giao hưởng Sao Mộc thách thức mọi phân tích hợp lý. Đặc biệt, chính phản ứng cảm xúc của chúng ta đối với một tác phẩm nói chung đã khiến chúng ta yêu thích nó. Nói cách khác, chúng ta không thể yêu một tác phẩm hay một con người chỉ thông qua quá trình phân tích. Vì nếu các chi tiết được phân tích như mục đích tự thân, chúng sẽ khiến bạn mất đi sự chấp nhận một cách tự nhiên đối với tình yêu của mình - cho dù đó là tình yêu dành cho một tác phẩm âm nhạc hay dành cho một người cụ thể. Đối với âm nhạc, theo quan điểm tôi, phân tích có hai chức năng chính: nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc ghi nhớ và về mặt lý thuyết nó chứng minh những gì chúng ta đã cảm nhận. Nói cách khác, phản ứng của chúng ta đối với âm nhạc có trước tất cả những điều khác, đặt phân tích sau thực tế cảm nhận. Việc hiểu rõ các chi tiết về phong cách và cấu trúc chỉ nâng cao những gì bạn đã trải nghiệm dưới hình thức tổng thể của bản nhạc. Nhưng những thuộc tính đa dạng của một tác phẩm nghệ thuật cũng giống như những thuộc tính của con người. Được xem xét độc lập với tổng thể, những thuộc tính đó có thể soi sáng cho bạn về những chi tiết cụ thể, nhưng chúng không thể giải thích tình yêu của bạn cũng như không khiến bạn yêu một tác phẩm hay một con người.

 Việc duy trì tình yêu của bạn đối với một tác phẩm nói chung cho phép bạn làm việc trên các chi tiết một cách sáng tạo: bạn ghi nhớ các quãng trong một mô típ đồng thời tiếp thu cấu trúc của các mô típ tương tự trong suốt tác phẩm; kết luận âm nhạc của bạn về một câu nhạc có mối tương quan với nhiều câu khác. Cảm nhận trọn vẹn về tác phẩm một cách tổng thể cũng truyền cảm hứng cho bạn tìm ra những công cụ kỹ thuật mới để thể hiện ý tưởng âm nhạc của mình: bạn thử các thế ngón tay khác, cách nhấn pedal khác hoặc một góc khuỷu tay khác. Trong quá trình tìm kiếm liên tục để tìm ra âm thanh sẽ truyền tải cảm xúc âm nhạc của bạn, bạn có thể thử nghiệm nhiều quy trình khác nhau chỉ để quay lại giải pháp ban đầu của mình. Học sinh số IV (Hũ bánh quy đã hết) làm tôi nhớ đến một buổi thử nghiệm bản Sonata Appassionata của Beethoven:

Em nhớ có một đoạn không có tác dụng. Thầy đã gợi ý, "Em thử nhấn đầu phím nốt Si giáng  bằng ngón thứ tư thay vì ngón tay thứ ba; hãy thử chia độ dốc; hãy thử thay đổi pedal bên phải ở nốt thứ 16; bây giờ hãy để tôi nghe lại lần nữa bằng pedal kéo dài và ngón thứ ba của em. Ồ, tốt hơn nhiều rồi. Bằng mọi cách, hãy làm theo cách đó (xem Minh họa I).

[Minh hoạ].

 Trong cuốn sách Phương pháp luyện tập của Artur Schnabel của tác giả Konrad Wolff, có một mô tả rất hay về quá trình này:

Phương pháp luyện tập [Schnabel] là thử nghiệm hơn là luyện tập. . . . Thời gian luyện tập của Schnabel được dành để tìm ra cách phát âm chính xác của một tác phẩm. Ông ấy đã làm việc với mỗi câu nhạc hàng trăm lần để tìm ra cách đặt ngón tay, vị trí bàn tay, chuyển động của ngón tay và cánh tay để đảm bảo sự chuyển hóa hoàn hảo của giai điệu, nhịp điệu và hòa âm mà ông ấy tự nghe được bên trong mình. Đối với các học trò của mình, ông định nghĩa việc luyện tập là “trải qua một ngày bên cây đàn piano với sự kiên nhẫn và thanh thản,” và điều này, theo như tôi biết, chính là điều ông đã trải nghiệm từ chính bản thân mình.

NGHIÊN CỨU KỸ HƠN VỀ THẾ NGÓN TAY

 Có vô số khả năng để có thế đặt ngón tay tốt. Một ví dụ là ấn bản những bản Sonata của Beethoven do Schnabel soạn là một kho tàng ý tưởng sáng tạo. HIểu biết sâu sắc của ông ấy về những căng thẳng và thư giãn trong âm nhạc trong một câu nhạc đã quyết định việc ông ấy lựa chọn ngón tay mạnh hay yếu của bàn tay. Ấn bản biên soạn khéo léo này đưa a hướng dẫn để  phối hợp nhu cầu âm nhạc với năng lực cơ thể.

Điểm số tác phẩm của những nghệ sĩ chơi nhạc cụ vĩ đại cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa những người theo đuổi một cách tiếp cận cố định, máy móc và những người về cơ bản là sáng tạo trong quá trình luyện tập của họ. Một cách để bạn có thể nhận ra cách tiếp cận sáng tạo là sự lựa chọn ngón tay của nghệ sĩ. Ví dụ, trên một ô nhịp trong bản tổng phổ tác phẩm của Sir Clifford Curzon, bạn có thể thấy hoạt động phức tạp của một bộ óc sáng tạo—luôn dễ uốn nắn, luôn được kích hoạt bởi việc không ngừng tìm kiếm các thế ngón tay để mang lại khả năng biểu đạt tối đa dù chỉ ở hai nốt. Bản nhạc tiếp theo là một minh chứng đầy cảm hứng cho chân lý âm nhạc mà ông ấy cảm nhận được. Mỗi con số, mỗi dòng, mỗi bài bình luận đều miêu tả một cách sinh động cuộc đấu tranh của ông để tiết lộ sự thật này cho chúng ta. Kết quả: tính nghệ thuật không thể bắt chước của ông ấy (xem Hình minh họa II).

Trong cuốn sách Landowska trên âm nhạc, có hình chụp một trang bản Fugue cung Si trưởng của Bach từ Well-Tempered Clavier, Quyển L8. Đây là một ví dụ khác về cách một bộ óc âm nhạc vĩ đại tiếp cận động lực của ngón tay. Bức ảnh cho thấy những mẩu giấy trắng nhỏ được dán trên những lỗ thủng trên bản nhạc của cô do bị xóa liên tục. Cô giải thích điều đã thúc đẩy những thay đổi liên tục này: "Đôi khi việc tìm ra giải pháp để làm nổi bật một câu nhạc nhất định đòi hỏi phải thay đổi hoàn toàn thế đặt ngón tay và hơn thế nữa. Càng tốt, miễn là âm thanh vang lên. Bạn không bao giờ phải sợ là bắt đầu lại từ đầu bao nhiêu lần nếu cần thiết."

 

[Minh hoạ]

 

Leschetizky từng cho một học trò một lời khuyên đáng nhớ về thế ngón tay: "Hãy chơi bằng mũi nếu cần, nhưng phải tạo âm thanh nghe được!" Trên thực tế, để cho "âm thanh nghe được", bạn có thể  phải sử dụng thế ngón tay mà lúc đầu có vẻ vô lý. Việc chọn cách đặt ngón tay cái lên nốt Fa cao gần cuối bản Harp Etude của Chopin là một trường hợp điển hình. Điều thú vị là nó sẽ giúp bạn chơi nốt Fa cao với độ chính xác cao và khả năng kiểm soát tốt (xem Hình minh họa III). Những quan niệm lỗi thời như “luôn thay đổi ngón tay chơi nốt nhạc lặp lại” đã kìm hãm nghệ thuật chơi piano trong nhiều năm. Sự thoải mái vì mục đích biểu đạt âm nhạc và kiểm soát âm thanh phải là mối quan tâm hàng đầu của chúng ta - chứ không phải các quy tắc cứng nhắc (xem Hình minh họa IV). Chúng ta cũng cần đánh giá lại các thế đặt ngón tay đối với quãng tám. Giữ bàn tay theo khuôn và giữ ngón 1 và 5 - ngay cả trên các phím đen - thường sẽ tạo ra các đoạn quãng tám tự do và, nhờ đó, đều đặn (xem Hình minh họa V). Người chơi piano thường sử dụng cách chia các ngón tay để thuận lợi cho việc chơi những đoạn khó. Hình minh họa VI - chắc chắn là một trong những trò “lừa đảo” ngông cuồng nhất mà tôi đã nghĩ ra - có lần đã khiến một đồng nghiệp phải bật cười.

 Tuy nhiên, có một rủi ro khi cố để có thế ngón tay sáng tạo. Ví dụ: nếu bạn thay đổi ngón tay quá sớm trước khi biểu diễn, "động cơ lái tự động" của bạn có thể không có đủ thời gian để tiếp thu thế ngón tay mới. Sau đó bạn có thể dễ bị vấp. Vì vậy, tốt nhất bạn nên sử dụng thế ngón cũ và luyện tập thế ngón mới giữa các buổi biểu diễn cho đến khi bạn cảm thấy thế ngón tay mới đáng tin cậy hơn. Trong mọi trường hợp, bài học rút ra từ những nghệ sĩ vĩ đại như Curzon, Schnabel và Landowska là nghệ thuật đích thực không bao giờ đứng yên. Như một nghệ sĩ đã nói với tôi, "các thế ngón tay đôi khi có thể thay đổi nhiều như con người.” Tất nhiên, những thay đổi như vậy sẽ phát triển từ sự tìm kiếm không mệt mỏi những gì chân thực và đẹp đẽ trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật.

 ĐOÁN TRƯỚC NỐT - KẺ THÙ LỚN CỦA KHẢ NĂNG TẬP TRUNG

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà người biểu diễn phải đối mặt là đoán một nốt trước khi chơi nốt đó. Một cách để giải quyết vấn đề này là tập trung vào độ dài đầy đủ của mỗi giá trị nốt - làm đầy nó đến mức tràn ra. Khi chơi một nốt dài, hãy luôn cố gắng ghi nhớ các giá trị ngắn hơn dao động trong suốt chiều dài của nốt đó. Bài tập sau đây sẽ chứng minh quy tắc quan trọng này:

1. Chọn ba nốt bất kỳ trên đàn piano.

2. Chơi từng nốt trong ba nốt đó - chậm và chơi legato - bằng một trong hai tay, theo  cường độ sau:

[Hình minh hoạ].

3. Lần đầu tiên, chỉ tập trung vào cao độ và cường độ.

4. Lần thứ hai, đếm to 1-2-3-4 trên mỗi nốt. Khi bạn đếm, hãy tăng dần giọng nói của bạn lên nốt thứ hai và giảm nhẹ ở nốt thứ ba.

5. Đếm thầm và tưởng tượng rằng mỗi nốt nhạc đang tăng dần và giảm dần cường độ. Trong lúc lên cao, hãy di chuyển cơ thể từ từ về phía trước đồng thời tăng dần tốc độ áp lực ở cánh tay và ngón tay của bạn. Đối với phần giảm nhẹ, hãy di chuyển cơ thể của bạn từ từ trở lại vị trí ban đầu đồng thời giảm dần áp lực ở cánh tay và ngón tay. (Do đó sự tăng và giảm lực trùng với sơ đồ cường độ trên.)

 Ngay khi dây đàn piano bắt đầu chuyển động, âm thanh bắt đầu tắt. Điều này giải thích tại sao một số nghệ sĩ piano ngừng tập trung vào các giá trị nốt dài. Vì họ không thể kiểm soát âm thanh của một nốt nhạc khi phím nốt đó được chơi, nên họ cho rằng không cần phải tập trung vào nốt nhạc đó nữa. Nhưng việc chơi đàn piano đẹp là kết quả của việc biết cách tạo ra cảm giác mơ hồ thông qua việc vận dụng âm thanh một cách khéo léo. Để làm được điều này, trước tiên bạn phải tưởng tượng các mức tăng dần, giảm dần hoặc mức động không đổi trên một âm duy trì (xem Chương 5, trong đó các hình minh họa hướng dẫn cách đạt được điều này). Nếu bạn không tưởng tượng một trong ba lựa chọn động này trên bất kỳ âm thanh duy trì nào, kết quả sau sẽ xảy ra:

1. Bạn sẽ làm mất toàn bộ giá trị nhịp điệu của nốt hiện tại.

2. Bạn sẽ đoán trước hoặc trì hoãn nốt tiếp theo.

3. Do bạn để nốt đầu tiên mất tác dụng âm nhạc, bạn sẽ không thể làm cho nốt thứ hai vang lên ở mức động thích hợp để duy trì dòng nhạc.

Cách chơi đẹp đòi hỏi mỗi giai điệu phải đến vào một thời điểm nhất định và ở mức độ động nhất định - không hơn, không kém. Để hình thành một kế hoạch năng động thuyết phục cho một nốt cụ thể trong giai điệu, bạn phải coi bản nhạc như một tổng thể khép kín trong đó mỗi nốt nhạc có một chức năng cụ thể. Việc lựa chọn cường độ từ nốt này sang nốt khác cuối cùng được xác định bởi sự hiểu biết của bạn về toàn bộ bản nhạc và nội dung âm nhạc tổng thể của bản nhạc đó.

 Có một kiểu dự đoán khác cản trở khả năng tập trung của bạn. Hầu hết chúng ta đều trải nghiệm điều này lúc này hay lúc khác. Ví dụ, có những lúc ham muốn tập đàn hoặc viết lách của tôi lớn đến mức tôi bực bội vì phải thực hiện nhiều công việc thường ngày khác nhau. Sự bực bội này sau đó chuyển thành căng thẳng, khiến tôi mất đi năng lượng cần thiết cho công việc. Vì vậy, nếu trong khi tập thể dục mà tôi lo lắng về việc luyện tập của mình, thì tôi chơi nhạc cũng không tốt mà việc tập cơ bụng cũng không ra sao. Nhưng nếu tôi tập trung vào cơ thể của mình và chú ý xem nó hoạt động như thế nào mỗi khi gập bụng, tôi sẽ thấy mình cảm thấy sảng khoái khi kết thúc bài tập. Sau đó tôi có thể chuyển sự chú ý của mình sang công việc của mình. Nếu bạn cho phép quá nhiều nhiệm vụ chiếm giữ ý thức của mình cùng một lúc, bạn không thể tập trung đúng mức vào bất kỳ việc nào. Điều này áp dụng tương tự cho việc bạn tập đàn. Nếu như bạn tập một đoạn nhạc và đồng thời lo lắng về tất cả các đoạn khác trong tác phẩm mà bạn cần chú ý, bạn hầu như không thể tập trung vào nhiệm vụ trước mắt của mình. Nếu điều này xảy ra, hãy dừng việc bạn đang làm và xem xét lại tình hình. Hãy lập danh sách những điều bạn muốn hoàn thành theo thứ tự cần thiết và sau đó tập trung vào từng nhiệm vụ một. Như có phép lạ, sự căng thẳng biến mất.

Những người biểu diễn chơi bằng trí nhớ biết rằng việc đoán trước nốt nhạc sẽ dẫn đến việc bị vấp. Thay vì tập trung vào dòng chảy tự nhiên của âm nhạc, một giọng nói sẽ đột ngột hỏi: "Nốt trầm tiếp theo là gì?" Khi điều này xảy ra, hệ thống điều khiển tự động bị phá vỡ và dẫn đến chập máy. Để tương lai lấn át hiện tại là dấu hiệu chắc chắn rằng bạn đang không tập trung. Vì khi bạn thực sự tập trung, bạn quan tâm đến hiện tại, khoảnh khắc này, nốt nhạc này – bạn chỉ tham gia vào những gì bạn đang làm vào lúc đó.

 Những người luyện tập đạt được kết quả tối ưu từ công việc của mình đều đồng ý rằng phải mất một thời gian dài để học cách tập trung đúng cách. Bạn không nên bị nản lòng vì điều này. Đôi khi bạn nhận được kết quả ngay lập tức; những lần khác bạn phải chờ phần thưởng của mình. Chỉ có trẻ em và người chưa trưởng thành mới mong đợi kết quả ngay lập tức. Một khi bạn nhận ra rằng thành tựu đó là kết quả của sự kiên nhẫn, bạn sẽ thực hiện bước đầu tiên để đạt được mục tiêu của mình.

 Cuốn sách này là tập hợp các ý tưởng; tôi không có ý định rằng cuốn sách này thay thế giáo viên của bạn mà là để kích thích bạn đến những khái niệm mới và giúp bạn nhận thức được những khả năng vô tận vốn có trong khả năng nghệ thuật của bạn. Nó khuyến khích bạn luôn thích ứng không chỉ trong đời sống âm nhạc mà còn trong cuộc sống cá nhân của bạn. Tôi không bao giờ có thể thỏa mãn sự tò mò của mình về âm nhạc ở một tác phẩm cũng như không bao giờ giới hạn mối quan hệ của mình với chỉ một người. Khả năng thích ứng không loại trừ những mục tiêu được yêu thích trong hệ thống phân cấp sở thích, mà nó mang lại những khả năng không giới hạn trong việc tìm kiếm kiến thức và kinh nghiệm của chúng ta.

Suy nghĩ của những nghệ sĩ vĩ đại có thể truyền cảm hứng cho bạn khi bạn phấn đấu đạt đến sự hoàn hảo. Wanda Landowska, người viết về việc luyện tập với vẻ đẹp và niềm đam mê giống như cách chơi đàn của cô ấy, đã nói với tất cả chúng ta như vậy.

Nếu mọi người đều biết cách làm việc thì mọi người đều là thiên tài! Tôi ghét từ luyện tập. Luyện tập dẫn đến thói quen. Thay vì khám phá, phân biệt những đặc điểm ẩn sâu hoặc chỉ đơn thuần bị che kín, người ta cuối cùng không còn thấy gì nữa. Người ta không còn nhận thức được nữa.

 Nhận thức được, luôn luôn có ý thức, đối với tôi, là điều xứng đáng nhất trong suy nghĩ và trong công việc của tôi. Trong khi diễn tả một bản nhạc, ngay cả ở những điểm cao trào nhất trong một đoạn nhạc tràn đầy đam mê, tôi vẫn muốn tỉnh táo. Tôi có thể quên đi sự tự do mà tôi đã có được ở chỗ này hay chỗ khác, nhưng điều này không hề thay đổi trạng thái ý thức của tôi, vốn luôn luôn tỉnh táo.

 Sự vụng về và sai sót trong khi biểu diễn là do thiếu tập trung. Tôi rất coi trọng sự tập trung vì tôi sinh ra trong một gia đình vô kỷ luật. Tôi đã phải tự đá và mắng mình. Nhưng tôi tin rằng tôi đã có được khả năng tập trung và bây giờ tôi có thể dạy lại cho học trò của mình.

Tôi làm việc tốt nhất khi nhắm mắt. Chỉ khi đó tôi mới thấy và nghe được. Bạn nên bắt đầu chơi như thế nào? Bạn phải tập trung và hoàn toàn sẵn sàng để khi nốt đầu tiên được chơi, nó giống như một sự tiếp nối của một màn độc thoại đã bắt đầu. Giá trị và tầm quan trọng của cách bắt đầu chơi bản nhạc thường bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, tất cả phụ thuộc vào việc bạn chuẩn bị cẩn thận hay không. Trước khi tôi bắt đầu một câu nhạc, giữa cử chỉ chuẩn bị của bàn tay hoặc ngón tay và nốt đầu tiên, có một khoảng thời gian vô cùng nhỏ, luôn gây ngạc nhiên vì thời lượng không thể đoán trước và vì tác động biểu cảm của nó. Người nghe không bao giờ có thể đoán trước được liều lượng chính xác mà tôi áp dụng cho phần còn lại này. . . . Hơi thở và khoảng cách giữa các nhịp thở, đặc biệt là những nhịp đi trước khi bắt đầu, có giá trị dương tương đương với giá trị của nốt nhạc.

 Tương tự, nốt nhạc cuối cùng không bao giờ là nốt cuối cùng. Đúng hơn nó là một điểm khởi đầu cho một điều gì đó sắp đến.'

4. CẢM XÚC

 Vào ngày 7 tháng 6 năm 1783, Wolfgang Amadeus Mozart đã viết một lá thư cho cha mình, trong đó ông mô tả cách chơi đàn của Muzio Clementi, một trong những nhà soạn nhạc - nghệ sĩ dương cầm vĩ đại thời đó: "Điều ông ấy thực sự làm tốt là những đoạn nhạc ở quãng ba; nhưng ông ấy đổ mồ hôi vì những đoạn nhạc đó cả ngày lẫn đêm ở London. Ngoài việc này ra, ông ấy không thể làm gì khác, hoàn toàn không có gì, vì ông ấy không có một chút biểu đạt hay màu sắc nào, lại càng thiếu cảm xúc."

 Hết lần này đến lần khác, chúng ta có thể thấy những từ biểu đạt, màu sắc và cảm xúc trong đánh giá của Mozart về cách chơi của các nhạc sĩ khác. Đôi khi ông ấy thay đổi từ ngữ, nhưng hàm ý luôn giống nhau. Ngay cả một người không phải là nhạc sĩ, mặc dù thiếu khả năng phán đoán sáng suốt của Mozart, cũng có thể biết liệu người biểu diễn có chơi bằng cảm xúc hay không. Khi bày tỏ sự thất vọng sau một buổi biểu diễn, một người đi xem hòa nhạc có thể thốt lên: "Chà, khả năng của anh ấy thật đáng chú ý, nhưng bằng cách nào đó anh ấy đã không làm tôi cảm động." Có lẽ người đi xem hòa nhạc đó không thể mô tả đầy đủ những gì buổi biểu diễn không thể hiện được. Tuy nhiên, đối với một người luyện tập nghiêm túc, cảm xúc không bao giờ được coi là không thể xác định được. Ngược lại, một loại luyện tập tạo ra cách chơi truyền cảm mà tính biểu đạt, màu sắc và cảm xúc hoàn toàn nhận biết được; một loại luyện tập khác mang lại kết quả "hoàn toàn không có gì". Nhiệm vụ của chúng ta là xác định yếu tố nào tạo nên cách chơi truyền đạt cảm xúc sâu sắc nhất của mình đến người nghe.

Âm nhạc là ngôn ngữ của cảm xúc, việc thể hiện cảm xúc là trách nhiệm chính của người biểu diễn. Tất nhiên, không thể thể hiện cảm xúc âm nhạc nếu không có nền tảng kỹ thuật vững chắc. Nhưng khi một người chơi nhạc cụ chỉ luyện tập để đạt được độ chính xác và tốc độ - cả hai đều quan trọng trong nền tảng kỹ thuật - thì người đó sẽ bỏ qua cảm xúc và mất kết nối với ý định âm nhạc của mình. Kết quả là một màn trình diễn thiếu thuyết phục. Để hiểu điều này xảy ra như thế nào, bạn chỉ cần trải nghiệm sự tự do tuyệt đối và niềm vui khi làm chủ được kỹ thuật mà sau đó bạn có thể bị cám dỗ khai thác lợi ích riêng của kỹ thuật. Vì vậy, khi bạn luyện tập để nâng cao nền tảng kỹ thuật của bạn, bạn cần phải thường xuyên nhận thức được cảm xúc và phản ứng âm nhạc của bạn. Tất cả việc rèn luyện kỹ thuật của bạn đều phải hướng tới thể hiện những cảm xúc này. Trên thực tế, bằng cách kết nối với cảm xúc của mình khi các ngón tay hoạt động trên phím đàn, bạn có thể học cách có ý thức cách ngăn chặn cảm xúc của mình tạm thời, chẳng hạn như khi bạn thử thế ngón tay, chuyển động cơ thể hoặc cảm giác năng động. Những phân tích như vậy thường yêu cầu bạn phải tạm dừng phản ứng cảm xúc của mình đối với âm nhạc một cách có ý thức. Do đó, bằng cách xử lý cảm giác một cách khách quan, bạn có thể kiểm soát được cảm xúc của mình cả trên phím đàn cũng như những lúc khác. Nhưng chúng ta hãy thảo luận chi tiết hơn về cảm xúc âm nhạc và thử khám phá xem cảm xúc đó được thể hiện như thế nào.

KÝ HIỆU

Cảm xúc là một trải nghiệm tự nhiên. Tất cả chúng ta đều cảm nhận điều gì đó trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống. Chỉ khi chúng ta cố gắng truyền đạt cảm xúc đó, khi chúng ta cố gắng diễn đạt cảm xúc đó bằng lời nói, định nghĩa cảm xúc đó hoặc viết ra thì chúng ta mới thấy khó khăn. Biết được điều này chắc chắn chúng ta phải tôn trọng ký hiệu âm nhạc hơn bao giờ hết, vì nó thể hiện một cách sinh động những cảm xúc sâu kín nhất của nhà soạn nhạc. Từ ngữ cũng vậy, theo một thứ tự cụ thể, dù được nói hay viết, đều gợi lên những cảm xúc cụ thể. Ngoài các quy tắc cú pháp, yếu tố nào quyết định thứ tự này? Một nhà văn có kinh nghiệm có sẵn một vốn từ vựng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, đôi khi nhà văn đó có thể phát hiện ra rằng có tương đối ít từ ngữ để diễn tả cảm xúc cụ thể mà mình muốn truyền đạt. Mặt khác, ngôn ngữ mang đến cho nhà văn những khả năng vô hạn trong việc kết hợp ngay cả những từ ít ỏi đó thành những câu mới lạ và nguyên bản. Điều này có thể làm nản lòng người viết nếu cảm xúc của anh ta bị nhiễu bởi quá nhiều khả năng để lựa chọn. Cuối cùng, khi một cảm xúc đủ mạnh, khi tâm trí nhà văn hay nhà soạn nhạc tràn ngập chủ đề của mình, những khả năng đó sẽ bị thu hẹp lại và chính cảm xúc đó sẽ truyền cảm hứng cho việc lựa chọn từ ngữ hoặc nốt nhạc để tao ra cách diễn đạt nhất định. Đôi khi có thể cần phải viết lại vô số lần cho đến khi các ký hiệu – từ ngữ hoặc nốt nhạc – khớp nhất có thể với cảm xúc mà nhà văn hoặc nhà soạn nhạc mong muốn truyền tải. Quá trình này – việc lựa chọn các biểu tượng thích hợp để diễn đạt những gì bạn cảm nhận – có thể được hiểu dễ dàng hơn về mặt ngôn ngữ. Ví dụ, nếu bạn muốn kể lại một trải nghiệm cảm động sâu sắc, cường độ cảm xúc của bạn sẽ thúc đẩy bạn tìm kiếm dòng chảy ngôn từ tự nhiên và thuyết phục.

Một nhà soạn nhạc cũng vậy, bị lay động bởi cảm xúc âm nhạc, tìm kiếm những nốt, nhịp điệu và cường độ cụ thể để thể hiện điều này một cách thuyết phục. Tuy nhiên, không thể tìm thấy hai người có lựa chọn giống nhau. Vì mỗi người là duy nhất nên giọng nói bên trong của người đó chỉ ra lệnh cho những đoạn nhạc đó, những nốt nhạc thể hiện phản ứng của cá nhân người đó đối với cảm xúc mình. Do đó, các nhà văn và nhà soạn nhạc phát triển một phong cách độc đáo chỉ đơn giản bằng cách là chính họ. Điều này cũng đúng với việc diễn tả âm nhạc. Mặc dù hai hoặc nhiều nghệ sĩ piano tuân thủ một cách trung thực các dấu hiệu của một tác phẩm, nhưng phản ứng của mỗi người đối với các dấu hiệu đó sẽ là duy nhất. Giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, việc diễn tả âm nhạc sẽ được cải thiện nhờ thực hành. Nhận thức được cảm xúc của mình sẽ thúc đẩy bạn tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc rộng hơn và đa dạng hơn để thể hiện những cảm xúc đó. Đây là điều khiến bạn trở thành một người biểu diễn thuyết phục. Khi tìm kiếm ý nghĩa thực sự trong tác phẩm một nhà soạn nhạc, bạn sẽ thâm nhập vào tâm điểm của âm nhạc khi bạn nhận ra rằng ý nghĩa âm nhạc là ẩn chứa trong chính thứ tự các nốt nhạc mà một nhà soạn nhạc đã viết. Điều này, cộng với tất cả những ký hiệu mà nhà soạn nhạc đã dày công ghi lại trong bản nhạc của mình, mang thông điệp của nhà soạn nhạc đến với bạn. Đối với nhà soạn nhạc, không có trật tự nào và không có dấu hiệu nào khác có thể truyền tải đầy đủ cảm xúc của mình. Vì lý do này, bạn phải chú ý và tôn trọng mọi ký hiệu trong bản nhạc mà mình đang chơi.

Tuy nhiên, đôi khi nhà soạn nhạc không ghi lại tất cả những gì mình cảm nhận. Trong trường hợp như vậy, chúng ta buộc phải đọc được ẩn ý của nhà soạn nhạc. Ví dụ như Bach hầu như không để lại ký hiệu biểu cảm nào; Mozart thỉnh thoảng viết ký hiệu pianoforte cùng với một số ký hiệu diễn giải khác. Nhưng với sự phát triển của đàn piano và khả năng phạm vi, độ động và âm sắc ngày càng tăng của nó, các nhà soạn nhạc bắt đầu ghi chú với sự chú ý nhiều hơn đến từng chi tiết. Vào thời điểm Beethoven viết phần recitativo trong chương thứ ba của bản Sonata, Op. 1 10, ông ấy sử dụng dấu biểu thức và chỉ báo nhịp độ cho hầu hết mọi nốt. Hơn nữa, ông nhận thấy các chỉ dẫn thông thường bằng tiếng Ý không phù hợp, nên ông đã sử dụng đến hai ngôn ngữ—tiếng Ý và tiếng Đức. Bằng những cách này, Mozart đang cố gắng đưa 'người phiên dịch' đến gần nhất có thể với cảm xúc của chính mình.

Có một lý do khác khiến các nhà soạn nhạc bắt đầu chú ý hơn đến các dấu hiệu diễn giải. Khi ngày càng có nhiều nghệ sĩ bắt đầu chơi nhạc trước công chúng, không lấy gì là lạ khi các nhà soạn nhạc nghe thấy những cách diễn giải méo mó về tác phẩm của chính họ. Suy cho cùng, như Mozart nhận thấy, không phải tất cả người biểu diễn đều có khả năng biểu đạt, cảm nhận và thể hiện cảm xúc.. Beethoven có lẽ là nhà soạn nhạc đầu tiên để lại ít trí tưởng tượng nhất có thể.

 Ngay cả khi có sẵn vô số ký hiệu biểu cảm, một nhà soạn nhạc vẫn thấy ký hiệu âm nhạc là không đủ. Bất chấp những hạn chế này, nhiệm vụ của mỗi người biểu diễn là phải trung thành với bất cứ điều gì một nhà soạn nhạc đã viết ra. Nói cách khác, những bất cập cố hữu của ký hiệu âm nhạc không cho phép người biểu diễn vi phạm những gì nhà soạn nhạc đã viết ra. Nhà soạn nhạc đã thể hiện trái tim và tâm trí của mình dưới dạng nốt nhạc, dấu nối, dấu biểu cảm, đánh số ngón tay và ký hiệu sử dụng pedal. Nghĩa vụ của bạn là phải hiểu từng ký hiệu đó. Thí nghiệm sau đây rất hữu ích cho mục đích này.

 Chọn một bản nhạc bạn chưa từng chơi bao giờ và rời khỏi cây đàn piano. Với một cuốn từ điển âm nhạc tốt trong tay, hãy xem qua bản nhạc và cố gắng hiểu mọi thứ bạn nhìn thấy. Đừng nản lòng nếu đôi tai của bạn chưa phát triển đủ để “nghe” được âm nhạc trong tâm trí mà không phát ra âm thanh. Bạn vẫn có thể nhìn thấy các dấu biểu cảm và phân biệt các kiểu giai điệu và hòa âm. Mỗi khi bạn gặp một ký hiệu diễn giải, hãy cố gắng trải nghiệm nó một cách trọn vẹn. Ví dụ: khi bạn nhìn thấy từ crescendo, hãy cố gắng tìm cảm giác vật lý tương ứng. Hãy phát âm to các nhịp điệu - tum, dee-dee-dum - hoặc gõ nhẹ vào đầu gối của bạn. Hãy hấp thụ bất cứ điều gì có thể về nội dung cảm xúc mà không  chạm vào phím đàn.

THỞ

Tất cả chúng ta đều thở để sống. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta thở kém đến mức thật không thể nào hiểu nổi làm sao chúng ta có thể hoạt động được. Việc thở đúng cách càng trở nên khó khăn hơn khi chúng ta bị căng thẳng về mặt cảm xúc. Do đó, trừ khi chúng ta học cách kiểm soát hơi thở của mình, chúng ta sẽ không chỉ làm giảm khả năng thể chất mà thậm chí còn có thể ức chế phản ứng cảm xúc của mình đối với âm nhạc mà chúng ta chơi. Tiến sĩ Alexander Lowen nói: “Cảm giác được quyết định bởi hơi thở và chuyển động. Một sinh vật chỉ cảm nhận được những gì chuyển động bên trong cơ thể nó... nín thở là cách hiệu quả nhất để cắt đứt cảm giác. Nguyên tắc này hoạt động ngược lại. Cũng giống như những cảm xúc mạnh mẽ kích thích và tăng cường hơi thở của một người, sự kích thích và hít thở sâu có thể gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ."  Nói cách khác, hơi thở giúc tăng cường cảm xúc. Do đó có thể tăng khả năng cảm nhận âm nhạc bằng cách thở đúng cách. Hãy nghĩ về giọng của con người - mô phỏng nhạc cụ. Sẽ không thể hát hoặc thậm chí nói chuyện một cách hiệu quả nếu không phát triển khả năng kiểm soát hơi thở một cách tinh tế. Việc điều khiển này có thể được điều chỉnh để chơi một nhạc cụ nào đó theo cách sau:

1. Lấy bản nhạc của bạn đến với cây đàn piano và ngồi với cánh tay thư giãn và được đỡ trên đùi. Ở vị trí này, cơ cánh tay của bạn giải phóng căng thẳng. Hãy hé môi một chút và để hàm dưới thư giãn. Thả vai và nhẹ nhàng nghiêng đầu. Thư giãn cơ cổ của bạn. Độ cứng ở hàm, cổ và vai là trở ngại lớn khi chơi piano. Bây giờ bạn đã thực hiện bước đầu tiên để khắc phục vấn đề này.

 2. Đặt máy đếm nhịp ở mức 60. Đặt cả hai tay nhẹ nhàng quanh cơ hoành. Nhắm mắt lại và hít vào từ từ qua mũi. Khi bạn hít vào, bụng phồng lên. Cố gắng kéo dài thời gian hít vào này trong tám nhịp đếm. Giữ cho miệng bạn thư giãn và môi bạn hơi hé ra. Bây giờ thở ra bằng miệng trong tám nhịp đếm. Bụng xẹp xuống. Hãy chắc chắn để đẩy hết không khí ra khỏi phổi của bạn. Nếu cần nhiều hoặc ít nhịp đếm của máy đếm nhịp để hoàn thành hai bước này, hãy thực hiện những điều chỉnh cần thiết. Cuối cùng, sử dụng cùng một số nhịp đếm cho mỗi lần hít vào và thở ra.

3. Hít vào trong tám nhịp đếm; giữ hơi thở trong tám nhịp đếm; thở ra trong tám nhịp đếm; và cuối cùng, để trống trong tám nhịp đếm. Tiếp tục các bài tập thở sâu này trong khoảng năm đến mười phút. Nếu bạn bị chóng mặt, đừng lo lắng. Theo thời gian, cơn chóng mặt sẽ biến mất, khiến bạn sảng khoái và tràn đầy sinh lực.

 4. Mở mắt ra và tập trung sự chú ý vào âm nhạc trước mặt bạn. Cố gắng lướt nhanh một nhóm các nốt và sắp xếp chúng thành các xu hướng. Mục đích của bạn là chuyển những xu hướng này thành cảm xúc âm nhạc và sau đó thể hiện những cảm xúc này thông qua cơ bắp của bạn.

5. Đây là bước quan trọng nhất. Đừng đoán trước những gì bạn sắp cảm thấy cũng như đừng lo lắng về việc liệu trên thực tế, bạn có cảm thấy gì không. Hãy đón nhận, gây ấn tượng, và mong đợi. Hãy nghĩ đến phim âm bản trong máy ảnh - chức năng của nó là nhận các xu hướng và cường độ ánh sáng. Mục đích của bạn trong cuộc thử nghiệm này không phải là để ép buộc bạn phản ứng với âm nhạc, mà là để cho âm nhạc ảnh hưởng đến bạn, thấm nhuần vào bạn, giống như ánh sáng tạo ra âm bản. Hãy để âm nhạc tìm thấy bạn thay vì bạn cố gắng tìm kiếm nó.

6. Hít một hơi thật sâu và khi thở ra, bắt đầu chơi bản nhạc trước mặt bạn. Trong trạng thái mong đợi và không thành kiến, bạn sẽ phản ứng một cách tự nhiên với các cấu trúc ngang (giai điệu) và dọc (hài hòa), với các kiểu nhịp điệu và với tất cả các dấu hiệu biểu đạt. Vì bản nhạc này còn mới đối với bạn nên bạn không thể biết trước được những khó khăn của nó. Do đó, mỗi sự kiện âm nhạc sẽ truyền cảm hứng tự phát trong bạn để cơ bắp của bạn thích ứng một cách tự nhiên nhất có thể với các chuyển động thể chất cần thiết để thể hiện cảm xúc. Nếu bạn tiếp tục thở theo từng cụm từ và luôn sẵn sàng tiếp thu về mặt cảm xúc và thể chất, bạn sẽ giải quyết được những khó khăn về mặt kỹ thuật một cách dễ dàng đến đáng ngạc nhiên. Khi bản nhạc mở ra từng nốt nhạc, những cảm xúc chứa đựng trong âm nhạc sẽ khơi dậy những cảm xúc tương tự trong bạn. Bạn và âm nhạc trở thành một.

Một dấu ấn của một nhà soạn nhạc vĩ đại là khả năng nắm bắt ngắn gọn những cảm xúc mà nhà soạn nhạc đó muốn truyền tải. Bạn hồi đáp lại những cảm xúc đó vì những cảm xúc đó được đánh thức trong bạn. Việc bạn biết rằng bạn có thể chia sẻ cảm xúc mà một nhà soạn nhạc vĩ đại đã trải qua sẽ thiết lập mối quan hệ độc đáo giữa bạn và nhà soạn nhạc đó. Vì hơi thở giúp tăng cảm xúc được chia sẻ này nên không hề nói quá là hơi thở có tầm quan trọng lớn trong việc diễn giải âm nhạc.

KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG CƠ THỂ VỚI ÂM THANH

Để chuyển cảm xúc thành âm thanh đòi hỏi những phản ứng cơ thể không khác gì những phản ứng được trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày: cái nắm tay nhẹ nhàng của một đứa trẻ sơ sinh, cái bắt tay thân thiện mạnh mẽ, cái vẫy tay tạm biệt. Mỗi hoạt động đó là một phản ứng của cơ thể đối với một kích thích cảm xúc. Tuy nhiên, không có phản ứng nào trong đó đòi hỏi sự kiểm soát trí óc có ý thức, và phản ứng âm nhạc cũng vậy. Nhiều vấn đề về kỹ thuật và/hoặc âm nhạc có thể được ngăn chặn ngay từ đầu nếu bạn cho phép mình phản ứng một cách tự nhiên với âm nhạc. Như chúng ta đã phát hiện, việc dự đoán trước có thể tạo ra những khó khăn về cảm xúc và cơ thể khi chơi đàn piano. Vấn đề cũng có thể xảy ra khi bạn dự đoán cách diễn giải trước khi cho phép nội dung cảm xúc của âm nhạc tự thể hiện thông qua bạn. Vì vậy, việc tập trung quá sớm vào các chi tiết diễn giải có thể khiến bạn mất đi tính tự phát và tạo thêm nhiều trở ngại. Điều này không có nghĩa là bạn nên ngồi trước đàn piano trong trạng thái xuất thần với thái độ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Suy cho cùng, những nhạc sĩ chơi đàn một cách thuyết phục đã tự mình xác định không chỉ ý nghĩa của âm nhạc đối với họ mà còn cả cách họ thể hiện âm nhạc thực sự trên các nhạc cụ mà họ chơi. Đúng hơn, tôi gợi ý rằng bạn có thể làm phức tạp phản ứng của mình với âm nhạc trong giai đoạn đầu học tập bằng cách phân tích tổng thể thay vì cho phép bản thân phản ứng một cách tự nhiên. Điều này không loại trừ việc bạn cần phải xem kỹ những phần khó khi có cơ hội. Nhưng nói chung, khả năng nắm bắt ý nghĩa thực sự của một tác phẩm và khả năng diễn đạt ý nghĩa đó của bạn sẽ được nâng cao hơn nữa bằng cách đọc qua bản nhạc một cách thoải mái và bạo dạn.

Khi học trò số IV đến học với tôi, em có phần ngượng ngùng thú nhận là chưa từng biểu diễn một bản Etude nào của Chopin. Cô giải thích rằng cô đã tập một vài bản Etude một cách chậm rãi trong suốt sáu tháng. "Em chưa bao giờ thử chơi chúng theo nhịp độ à?" Tôi hỏi. Em trả lời: “Em không dám. Em sẽ mất một năm để giải quyết những phần khó với tốc độ chậm trước khi em có thể nghĩ đến việc chơi nhanh hơn.” Tôi giải thích với em rằng chơi chậm tạo ra một loại cảm giác và chơi nhanh tạo ra một loại cảm giác khác; rằng mỗi nhịp độ đòi hỏi chuyển động cơ thể tương ứng. Vì lý do này, việc luyện tập chậm rãi không nhất thiết sẽ giúp bạn chơi nhanh. Tất nhiên, mục tiêu chính của em là tránh mắc lỗi. Vì cho rằng luyện tập với tốc độ chậm sẽ làm giảm nguy cơ mắc lỗi, em đã tập Etudes vô số giờ theo tốc độ chậm mà chưa bao giờ trải nghiệm được nội dung cảm xúc của chúng. Mặc dù học trò số IV đã cố gắng đáp ứng những thách thức về mặt kỹ thuật của các bản Etudes đó, nhưng em ấy vẫn luyện tập với suy nghĩ rằng Etudes sẽ vẫn là những thứ không thể thực hiện được về mặt thể chất đối với phần còn lại của cuộc đời em. Tôi nhanh chóng đến gần máy đếm nhịp, đặt nó ở số 144 và mở bản nhạc Etude in F Major, Op. 10, số 8 (xem minh họa VII). Em tái mặt. Trong tất cả các bản Etudes, bản này đáng sợ đối với em nhất. “Em hãy thử tăng nhịp độ lên,” tôi đề nghị, “nhưng em hãy chuẩn bị tinh thần để mắc lỗi. Bằng mọi giá, hãy để bản thân bị cuốn theo sự phấn khích của nó.” Tôi cũng chỉ ra cho em biết rằng mặc dù những khó khăn đặc biệt nằm ở tay phải, nhưng tay trái lại phải gánh chịu sự va đập và nảy của các mô típ âm nhạc. Tập trung vào việc này, em buông mình theo "sóng thủy triều", như em gọi nó. Nghĩ rằng những gì tôi yêu cầu em thực hiện là vô vọng, em hạ thấp sự phòng thủ của mình và do đó trình diễn bản Etude cung Fa trưởng một cách hoàn hảo và đúng nhịp độ. Khi chơi đến nốt cuối cùng, em quay sang tôi, mặt hơi tái nhợt và nói: "Em không thể tin được chuyện gì đang xảy ra!"

Bạn không nên kết luận từ câu chuyện này rằng luyện tập chậm rãi là vô ích. Ngược lại. Không gì có thể thay thế được việc luyện tập chậm rãi và cẩn thận. Trong thực tế. Học sinh số IV đã chơi tốt bản Etude cung Fa trưởng vì em đã luyện tập nó một cách chậm rãi. Nhưng trải nghiệm đã chứng minh cho cô em rằng em đã chờ đợi quá lâu để thử đôi cánh của mình và kết quả là em chưa bao giờ cảm nhận được sự hưng phấn thực sự của cơ thể mà tác phẩm có thể đem lại mà chỉ nhịp độ nhanh mới có thể truyền tải được sự hung phấn đó. Hơn nữa, em đã tự mình nhận ra rằng em có đủ tài năng để hoàn thành những công việc có độ khó lớn về mặt kỹ thuật nhanh hơn nhiều so với những gì em vẫn tin tưởng. Thành công này đã mang lại cho em sự kích thích cần thiết. Em đã nhanh chóng học được bản Sonata Appassionata của Beethoven trong thời gian kỷ lục và chơi bản đó theo nhịp độ tôi yêu cầu đôi với học trò của tôi. Ngay sau đó em đã biểu diễn bản nhạc đó  trước công chúng và thành công rực rỡ.

Học trò số II kể lại một trải nghiệm ấn tượng mà cậu ấy đã có được trong một buổi tập. Khi đang tập bản Sonata của Beethoven, cậu ấy đột nhiên gặp khó khăn khi thực hiện một đoạn nhạc theo thang âm. Đoạn đó không có vẻ gì là khó một cách bất thường, nhưng nghe có vẻ trúc chắc. Cậu ấy quyết định ngừng làm việc với Sonata một thời gian và tập luyện thang âm và hợp âm rải. Càng luyện tập lâu, âm giai càng trở nên không đồng đều. Là người có năng khiếu đặc biệt, cậu ấy cảm thấy rất tự ti khi không chơi được âm giai Mi giáng trưởng theo ý mình. Nhớ lại những gì tôi đã nói với cậu ấy về việc tổng hợp cảm xúc và thái độ thể chất, cậu ấy quyết định thử nghiệm bằng cách chơi âm giai MI giáng một cách say mê. Thật kỳ diệu, tất cả các cảm giác trúc chắc đều biến mất. Mô phỏng cảm giác dịu dàng, cậu ấy thử thang âm ở phím khác. Một lần nữa, cậu ấy đã chơi nó một cách hoàn hảo ngay lần đầu tiên. Đúng như tôi đã nhận thấy trong quá trình luyện tập và giảng dạy của mình, nhiều vấn đề kỹ thuật sẽ biến mất ngay lập tức khi cảm giác âm nhạc quyết định thái độ cơ thể phù hợp. “Tóm lại,” như Heinrich Neuhaus đã nhận xét một cách khéo léo: “khi sự tự tin về âm nhạc càng lớn thì sự lo lắng về mặt kỹ thuật sẻ giảm đi.”

Mặc dù vậy, bạn không nhất thiết phải thực hiện lời khuyên này một cách thái quá, vì điều đó không có nghĩa là trạng thái cảm xúc cảm nhận được là giải pháp toàn năng cho mọi vấn đề kỹ thuật. Hầu hết các nhạc công vĩ đại đều trải qua các bài tập kỹ thuật, một số thậm chí cón tập nhiều hơn những người khác. Các vũ công điêu luyện cũng phải việc nhiều giờ mỗi ngày để tập cho cơ thể có thể chuyển động thích ứng với cảm xúc. Ngay cả khi bạn luyện tập, hãy cố gắng tiếp cận các bài tập với mục đích âm nhạc. Nếu bạn nắm bắt cảm xúc của mình vì mục đích cụ thể nào đó, hãy ý thức rằng bạn đang làm như vậy. Vì tôi biết tầm quan trọng của nguyên tắc này nên tôi liên tục nhắc nhở học trò của mình không bao giờ thực hiện bất cứ điều gì mang tính chất máy móc thuần túy mà không nhận thức được rằng mình đã cố ý kìm hãm cảm xúc của mình. Giả sử bạn muốn luyện tập âm giai Rê trưởng ở  nhịp độ 100 nốt một phần tư đến phút chỉ để đạt được sự đồng đều. Bạn có thể bắt đầu ý định đó của mình mà không hề có bất kỳ ý định âm nhạc nào, mục đích của bạn là tránh nhấn mạnh vào ngón cái trong khi vẫn giữ bàn tay cong và các ngón tay hơi cong. Bạn cố gắng luyện thang âm cho đều. Nhưng khi bạn áp dụng kỹ năng cho một tình huống âm nhạc thực tế - chẳng hạn như một bản Sonata của Mozart - bạn phát hiện ra rằng nó lại nghe không đều.

Như Học trò số II đã nhận thấy, ngay cả thang âm cũng phải được hỗ trợ bởi cảm xúc âm nhạc phù hợp với bối cảnh đang diễn ra. Như vậy, nó đòi hỏi một tổ chức cơ bắp tương thích, và vì bạn sử dụng một thái độ cơ bắp để chơi một cách máy móc và một thái độ khác để chơi với cảm xúc, bạn làm quá đi theo một trong hai hướng sẽ luôn mang lại kết quả không mong muốn. Do đó, bạn phải đạt được sự cân bằng giữa sự tham gia về mặt cảm xúc và tính khách quan phân tích. Trên thực tế, chính sự cân bằng như vậy mới có thể ứng dụng vào cho các tình huống không liên quan đến âm nhạc.

 Có sự khác biệt rõ rệt giữa những người chơi nhạc cụ tái tạo cường độ và những người trải nghiệm cường độ. Một nghệ sĩ piano sẽ chơi đoạn cao trào tăng lên bằng cách cẩn thận chơi mỗi nốt tiếp theo mạnh hơn nốt trước đó; màn trình diễn đó rõ ràng là lạnh lùng và tính toán. Một nghệ sĩ piano khác sẽ trải nghiệm sự thăng hoa về mặt cảm xúc; nghe nghệ sỹ đó chơi đàn, bạn biết rằng bạn có đã có trải nghiệm âm nhạc. Một số người chơi nhạc nghĩ rằng họ sẽ làm người nghe chán nản nếu họ không tạo ra những làn sóng bất tận các đoạn cao trào tăng lên hay những đoạn giảm nhẹ dần. Ngược lại, trong nhiều trường hợp, cường độ như nhau được duy trì từ nốt này sang nốt khác có thể tạo ra một trong những biểu hiện âm nhạc đẹp nhất. Với suy nghĩ đó, hãy thực hành thang âm bốn quãng tám, giữ mỗi nốt ở cùng một cấp độ piano. Hiệu ứng được tạo ra không hề nhàm chán, vì cấp độ piano không chỉ là một mức độ âm thanh - mà nó là một cảm giác cụ thể.

 Một trong những học trò của tôi đã từng chơi một tác phẩm của Liszt có tên là Nuages Gris (Những đám mây xám) - một tác phẩm mang bầu không khí kỳ lạ chỉ có một vài dấu hiệu cường độ. Do đó, em đã cố gắng chơi gần như hoàn toàn không có sắc thái. Khi biểu diễn bản nhạc đó cho các học trò của tôi nghe, em đã mắc sai lầm khi cho rằng cùng một lực từ nốt này sang nốt khác biểu thị sự thiếu vắng cảm xúc. Khi tôi chỉ ra cho em rằng động lực trải đều biểu thị một cảm xúc cụ thể, cách chơi của em đã thay đổi hoàn toàn. Một sự khác biệt xuất hiện cả trong âm thanh lẫn thái độ cơ thể của em. Theo bản năng, em thở chậm hơn - đôi khi nín thở - và cơ thể của em không chuyển động. Kết quả là em có thể hạ từng phím với tốc độ chậm, có kiểm soát, tạo ra từ cây đàn piano một giai điệu ma quái vốn có trong âm nhạc. Em đã khám phá ra cách truyền tải cảm giác siêu phàm của bản Mây Xám thông qua tư thế cơ thể thích hợp và do đó có thể nắm bắt được bí ẩn của nó, không chỉ thông qua các diễn đạt pianissimo liên tục mà còn cả trong những khoảng lặng (xem Hình minh họa VIII).

Thông thường, khi có những hạn chế về mặt kỹ thuật, việc chuyển trọng tâm sang cảm xúc có thể tạo ra sự tự do bất ngờ khi biểu diễn. Một nữ diễn viên nghiệp dư đã nói với tôi trường hợp như vậy - cô đột nhiên thấy mình hát chính trong vở kịch Finians Rainbow. Trong vài tuần diễn tập đầu tiên, mọi người trong dàn diễn viên đều tập trung vào việc tạo ra giọng tốt nhất có thể. Giống như những người khác, bạn tôi quan tâm chủ yếu đến kỹ thuật thanh nhạc của mình. Một hôm, đạo diễn gọi cô ấy ra và dừng buổi tập để nói: "Hãy quên giọng hát của bạn đi và tập trung kể cho tôi nghe câu chuyện. Hãy nghĩ đến cảm xúc đằng sau mỗi lời bạn hát." Như thể có phép thuật, giọng của cô ấy ngay lập tức mang một sắc thái hoàn toàn khác. Giọng của cô ấy không có gì bất thường. Tuy nhiên, khi được hỗ trợ bởi cảm xúc, nó trở nên có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Điều kiện lý tưởng trong mọi trường hợp là để cảm xúc âm nhạc thực sự chiếm lĩnh cơ thể và lựa chọn phản ứng cơ thể thích hợp để tạo ra các hiệu ứng cụ thể. Ví dụ, để chuẩn bị cho cơ thể trở thành một phương tiện truyền tải cảm giác âm nhạc, một ca sĩ phải chú ý nhiều đến sự thẳng hàng của cột sống cũng như sự linh hoạt và vị trí của hàm và lưỡi. Tuy nhiên, một số nghệ sĩ piano chỉ tập trung vào ngón tay mà không hiểu rằng ngón tay thực sự là phần mở rộng của cơ thể. Nói cách khác, các ngón tay, cánh tay, thân và bàn chân đều phải tham gia vào việc thể hiện cảm giác âm nhạc trên đàn piano. Và, như chúng ta đã thấy, hơi thở cũng quan trọng khi chơi piano cũng như khi hát.

[Minh hoạ VIII.]

 Tất cả những gợi ý trên đây chủ yếu liên quan đến lần đầu tiên bạn tiếp xúc với một tác phẩm. Bây giờ bạn đã sẵn sàng để bắt đầu luyện tập mà qua đó bạn ý thức được mọi điều bạn cảm nhận và thực hiện khi chơi đàn piano. Nhưng ngay cả khi bạn khách quan hóa cảm xúc và phản ứng cơ thể của mình đối với cảm xúc, bạn vẫn cần phải cởi mở với âm nhạc và để âm nhạc gây ấn tượng. Khả năng khách quan mà không hạn chế tính tự phát là một trong những mục tiêu chính của bạn với tư cách là một người chơi nhạc cụ. Chơi lại bản nhạc một lần nữa và lần này hãy chú ý đến cách bạn thở từ câu này sang câu khác. Có nhiều kỹ thuật thở, vì vậy bạn có thể tự do lựa chọn kỹ thuật phù hợp nhất với mục đích của mình. Một gợi ý là hãy thở như ca sĩ; nghĩa là hát toàn bộ đoạn nhạc và đánh dấu những chỗ mà việc hít thở có vẻ tự nhiên. (Tuy nhiên, hãy lưu ý: nếu giọng nói của bạn giống giọng của tôi, bạn có thể thấy cần phải đóng cửa phòng tập của mình!) Một gợi ý khác là hãy thử hít vào khi bạn chơi một câu và thở ra ở câu tiếp theo. Đối với những đoạn nhẹ nhàng hoặc nốt cuối cùng của một câu, hãy thử nín thở. Ngoài ra, bạn sẽ thấy rằng những đoạn khó sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn hít vào trước khi chơi và thở ra khi chơi đoạn đó.

 KẾT LUẬN

Ở mọi giai đoạn phát triển của bạn, bạn đều có thể thể hiện một màn trình diễn thực sự thuyết phục. Bạn chỉ cần khai thác bản năng âm nhạc tự nhiên của mình để phục vụ cho thứ âm nhạc mà bạn đang luyện tập. Quá trình này bắt đầu từ thế giới trực giác âm nhạc bên trong của bạn và tiếp cận thế giới âm thanh bên ngoài thông qua các cử chỉ cơ thể có sự phối hợp chặt chẽ. Sự tổng hợp như vậy không thể đạt được nếu không có sự nỗ lực. Ngay cả người chơi nhạc cụ tài năng nhất cũng phải luyện tập chăm chỉ để hoàn thiện quá trình đó. Mặc dù tương đối ít người có khả năng nghệ thuật tuyệt vời nhưng tôi luôn cho rằng mọi người đều có năng khiếu theo cách riêng của mình. Thông thường, những tài năng của bạn sẽ xuất hiện khi các rào cản cơ thể và/hoặc tâm lý được loại bỏ. Nhưng điều này cần có thời gian, sự lặp lại và trên hết là sự kiên nhẫn.

 Các vấn đề về cơ thể thường là kết quả của việc tập trung vào kỹ thuật đến mức loại trừ các phản ứng cảm xúc đối với âm nhạc. Do đó, nhiều vấn đề kỹ thuật có thể được loại bỏ nếu bạn giữ nguyên cảm xúc âm nhạc của mình trong suốt quá trình làm việc chi tiết đồng thời cho phép cơ thể tìm ra cơ chế tự nhiên để thể hiện cảm xúc. Bằng cách này, toàn bộ cơ thể của bạn trở thành một lực tích cực trong quá trình tạo ra âm thanh thể hiện ý định của người soạn nhạc khi bạn cảm nhận được ý định đó. Khi cử chỉ cơ thể xảy ra một cách tự nhiên, hãy quan sát chúng. Hãy quan sát bản thân mình như thể bạn là khán giả của chính bạn. Bạn sẽ nhận thấy mỗi cảm xúc đều có một chuyển động và cảm giác tương ứng: bạn chọn ngón tay cao để thể hiện cảm xúc này và ngón tay sát phím để thể hiện cảm xúc khác; có đoạn dường như yêu cầu thực hiện kỹ thuật staccato ở cổ tay, trong khi một đoạn khác yêu cầu thể hiện staccato ở cánh tay; những cảm xúc âm nhạc khác khiến cơ thể chuyển động về phía trước, phía sau và từ trái sang phải ở nhiều mức độ và sự kết hợp khác nhau; bàn chân của bạn, dù đặt trên bàn đạp, hoà hợp với các ngón tay và nhận thức âm thanh của bạn. Tất cả những cảm xúc này được nạp vào chế độ phi công tự động của bạn để theo thời gian, cơ bắp của bạn được huấn luyện để tái tạo cảm xúc một cách không chủ ý. Một giáo viên giỏi có thể khơi gợi cảm xúc trong bạn bằng cách dạy bạn những cử chỉ cơ thể đúng đắn. Nhưng thời gian bạn cần để truyền cảm giác và chuyển động cho máy điều khiển tự động của mình phụ thuộc vào thời gian bạn luyện tập và mức độ tập trung mà bạn duy trì.

Phản ứng đầu tiên của bạn với âm nhạc diễn ra mà không cần đến sự phân tích trí tuệ. Ví dụ, những đứa trẻ có năng khiếu thường bộc lộ cảm xúc âm nhạc sâu sắc mà không nhận thức được cấu trúc âm nhạc hoặc dữ kiện lịch sử. Chính sự ngây thơ này mà người lớn có thể học hỏi. Vì vậy, khi luyện tập, hãy tránh phân tích quá mức và để âm nhạc bộc lộ vẻ đẹp của chính nó - vẻ đẹp được đáp lại bởi điều gì đó sâu thẳm bên trong bạn. Một khi bạn nhận ra phản ứng của mình trước vẻ đẹp này, bạn đã sẵn sàng xác định chính xác mọi thứ góp phần vào việc thể hiện âm nhạc. Chỉ khi đó bạn mới có thể kiểm soát được cảm xúc của mình khi biểu diễn trước người khác. Thực hành giúp phát huy khả năng tiếp thu và khả năng cần thiết cho trải nghiệm này. Trên hết, đừng nản lòng khi xảy ra vấn đề về âm nhạc hoặc kỹ thuật. Suy cho cùng, âm nhạc bạn luyện tập cần có thời gian để hình thành và ghi chú một cách tỉ mỉ. Do đó, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực của bạn để nắm bắt được ý nghĩa của nó. Một triết gia Thiền đã nói thế này: “Nếu bạn vẽ một bông hoa cúc, hãy nhìn nó trong mười năm cho đến khi bạn trở thành một bông hoa!”

Những nghệ sĩ vĩ đại đã thành công trong việc thiết lập sự đồng nhất chặt chẽ với âm nhạc họ biểu diễn. Chính khả năng này đã khiến họ khác biệt với những nghệ sĩ biểu diễn khác. Ví dụ, Sir Clifford Curzon chơi bản Concerto thứ tư của Beethoven với sự sáng suốt hiếm có và vẻ đẹp của âm thanh không thể diễn tả được. Như thể ông ấy và bản Concerto là một. Nếu lối chơi siêu việt như vậy chỉ là kết quả của tài năng thì tất cả chúng ta có thể cảm thấy thất bại. Ngược lại. Ông truyền cảm hứng cho chúng ta bằng cách chứng minh trước mắt chúng ta kết quả của cả cuộc đời luyện tập tận tâm. Bạn có thể không bao giờ chơi được như Ngài  Clifford, nhưng phản ứng của bạn đối với cách chơi của ông ấy cho thấy rằng khả năng của bạn có thể lớn hơn những gì bạn nghĩ. Nếu bạn có niềm tin vào khả năng này và luyện tập chỉn chu, bạn có thể “vẽ được nhiều bông hoa cúc” hơn bạn nghĩ.

Luyện tập thường bị coi là một hoạt động nhàm chán. Kỷ luật cũng là một từ mang ấn tượng của việc bị ép buộc phải làm những công việc khó chịu. Nhưng khi các khía cạnh tổ chức của việc thực hành hướng tới mục tiêu cuối cùng - tổ chức bản thân - thì người ta sẽ dễ dàng có xu hướng chấp nhận cả những kỷ luật do bản thân tự áp đặt và những áp đặt từ bên ngoài. Mục tiêu đó cho phép bạn tiếp cận việc luyện tập của mình với sự kiên nhẫn vô hạn, một đức tính mà hầu hết trẻ em đều thiếu. Tuy nhiên, một người trưởng thành học cách chờ đợi phần thưởng, cho dù phải mất bao lâu.

Trong cuốn sách "Thiền trong nghệ thuật bắn cung" có một mô tả nổi bật về tính kỷ luật. Ở Phương Đông, người ta luyện tập bắn cung để luyện tâm (không khác mục đích cuối cùng của việc luyện tập piano). Tác giả mô tả những thử thách mà ông ấy phải trải qua trong nỗ lực thành thạo nghệ thuật này. Chẳng hạn, ông ấy phải mất hơn năm năm mới có thể kéo cung theo cách mà Sư phụ của ông ấy hướng dẫn. Những kỷ luật khắt khe thường khiến ông mất bình tĩnh, và Sư phụ sẽ nói: “Vậy chúng ta hãy ngừng nói về chuyện đó và tiếp tục tập luyện!” Những câu hỏi mà ông ấy thường hỏi Sư phụ hầu như luôn được chào đón bằng câu: "Đừng hỏi, hãy luyện tập!" Ông ấy đã luyện tập và đã thành công. Anh ấy thậm chí còn học cách thở như Sư phụ đã dạy: “Tôi học cách chìm đắm trong hơi thở một cách dễ dàng đến nỗi đôi khi tôi có cảm giác rằng chính tôi không thở nhưng - thật kỳ lạ vì điều này nghe có vẻ như đang thở. Và ngay cả khi, sau nhiều giờ suy ngẫm sâu sắc, tôi vật lộn với ý tưởng táo bạo này, tôi không còn nghi ngờ gì nữa rằng hơi thở đã mang lại tất cả những gì Sư phụ đã hứa.

Luyện tập đủ nhiều sẽ giúp giải phóng bản thân bạn khỏi mọi giới hạn về thể chất và giúp bạn được hít thở bởi âm nhạc. Sẽ có những khoảnh khắc siêu việt mà bạn sẽ không còn cảm thấy ngón tay của mình hay nhận biết được hơi thở của mình - những khoảnh khắc mà toàn bộ con người bạn sẽ biểu lộ vẻ đẹp không tên mà bạn là một phần trong đó. Những cảm xúc như vậy tỏa ra từ những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại chứng thực bản chất lý trí của con người. Do đó, các tác phẩm âm nhạc thực sự là một lịch sử của những cảm xúc phổ quát. Trải nghiệm điều này thông qua thực hành sẽ thiết lập trong bạn một trật tự ràng buộc bạn với thiên nhiên và khẳng định niềm tin của bạn vào nhân loại.

 Nếu bạn là một người thực hành âm nhạc, bạn là một trong những người có được đặc ân cao nhất. Vì bạn được trao cơ hội trải nghiệm những cách thể hiện âm nhạc sâu sắc. Để xứng đáng với điều này đòi hỏi một kỷ luật ở mức cao nhất. Phần thưởng bạn nhận được không chỉ là khả năng thể hiện âm nhạc bằng chính đôi tay của mình mà còn biến toàn bộ cuộc sống của bạn thành một loại hình nghệ thuật của riêng nó. Vì kỷ luật mang lại sự tự tin; sự tự tin mang lại cho bạn sự tự do để khám phá những khía cạnh khác của vẻ đẹp trong một vòng tròn khám phá không bao giờ kết thúc.

PHẦN II KỶ LUẬT

 5 Tốc độ - Nhịp - Xung lực

Nhịp điệu chi phối vũ trụ. Thật đáng kinh ngạc khi nhìn lên bầu trời và chiêm ngưỡng tốc độ cũng như hướng đi có thể dự đoán được của mỗi hành tinh. Trong môi trường gần gũi hơn của chúng ta, chúng ta biết khi nào cây sẽ kết trái, khi nào chim sẽ di cư. Nông dân trồng trọt theo sự thay đổi nhịp nhàng của các mùa; ngư dân có thể dự đoán thủy triều. Thật kỳ diệu, nhịp điệu cơ thể của chúng ta phần lớn được điều chỉnh bởi tự nhiên. Trong thế giới phương Tây, ý tưởng điều chỉnh nhịp điệu cơ thể của chính mình một cách có ý thức, cho đến gần đây, vẫn là một khái niệm gắn liền với các nhà thần bí phương Đông. Nhưng khoa học, thông qua kỹ thuật phản hồi sinh học, hiện đang hướng dẫn con người kiểm soát nhịp tim và huyết áp của mình (mặc dù các thiền sinh đã thực hành những kỹ thuật như vậy trong nhiều thế kỷ). Nói cách khác, thông qua một cách thức tập trung cụ thể, bạn thực sự có thể thực hiện việc kiểm soát có ý thức đối với một số chức năng cơ thể mà cho đến nay được cho là hoàn toàn không tự nguyện.

 Mặc dù họ có thể không nhận thức được điều đó nhưng các nhạc sĩ vẫn thường sử dụng kỹ thuật phản hồi sinh học. Vì loại kỹ thuật này cho phép người biểu diễn kiểm soát nhịp độ và cường độ khác nhau với kết quả có thể đoán trước được - bất chấp sự lo lắng. Vì vậy, mặc dù nhịp tim của anh ta có thể nhanh, nhưng anh ta phải ra lệnh cho bản thân trải nghiệm và thực hiện một adagio sâu sắc khi cần thiết. Bằng cách tập trung vào sự tĩnh lặng, người biểu diễn thực sự có thể điều khiển cơ thể mình để thể hiện điều đó. Tất nhiên, sự kiểm soát như vậy không xảy ra một cách tự phát trong buổi biểu diễn; đúng hơn, sau hàng giờ luyện tập, phản xạ của người biểu diễn được tạo điều kiện để thực hiện thành công ý định của mình. Khả năng dự đoán này đảm bảo chính tâm trạng mà người biểu diễn mong muốn thể hiện, bất kể tim anh ta có đập nhanh đến đâu.

MỘT SỐ ĐỊNH NGHĨA

Nhịp điệu đề cập đến bất kỳ chuyển động được điều chỉnh nào có xung lực mạnh và yếu. Định nghĩa này có thể áp dụng cho nhịp điệu âm nhạc cũng như các hiện tượng tự nhiên - chẳng hạn như sự lên xuống của thủy triều. Tất nhiên, chuyển động theo quy tắc được thể hiện rõ ràng trong điệu nhảy. Do đó, Barbara Mettler, một chuyên gia khiêu vũ, mô tả nhịp điệu là “bản chất giống như sóng của xung động, sự xen kẽ giữa hoạt động và nghỉ ngơi, khiến chuyển động này phát triển từ chuyển động khác, tạo ra sự liên tục và trôi chảy”.

Mặt khác, xung lực có liên quan cụ thể đến nhịp tim của bạn. Theo nghĩa chặt chẽ nhất, xung lực đề cập đến sự chuyển động và định hướng lặp đi lặp lại và quan trọng trong biểu diễn âm nhạc.

 Tốc độ (Tempo) là tổ chức nhịp điệu và xung lực ở một tốc độ cụ thể. Do đó, các nhà soạn nhạc thường sử dụng các chỉ dẫn của máy đếm nhịp để ước chừng ý niệm của họ về nhịp độ. Để thể hiện ý định của một nhà soạn nhạc, bạn chỉ cần đặt máy đếm nhịp theo nhịp độ quy định và điều chỉnh nhịp điệu và nhịp đập cơ thể của bạn theo đó.

TÁC ĐỘNG CỦA NHỊP ĐỘ ĐẾN HÀNH VI CỦA BẠN

Tiếng trống trong nhiều thế kỷ đã kích động con người ra trận. Âm nhạc cũng vậy, như Congreve nhận xét, "có sức quyến rũ để xoa dịu bộ ngực man rợ!" Không chỉ mang tính thi vị, có bằng chứng khoa học ủng hộ những tuyên bố như vậy. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhịp điệu đối xứng của nhạc diễu hành tạo ra phản ứng không tự nguyện trong cơ thể. Cụ thể, đồi thị, một trung tâm não nằm bên dưới não chủ, “là trạm chuyển tiếp chính của xúc cảm, cảm giác và cảm xúc. Đồi thị được kết nối với não chủ bằng các đường dẫn thần kinh và sự kích thích của đồi thị hầu như đồng thời đánh thức bộ não chủ. Một khi bộ não chủ được kích thích, nó sẽ gửi các xung động trở lại đồi thị và do đó, một mạch vang dội được thiết lập chuyển động."15 Điều này giải thích tại sao trẻ em có thể phản ứng với nhịp điệu và cảm xúc trong âm nhạc từ rất lâu trước khi chúng nhận thức được các thành phần của âm nhạc. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tại sao âm nhạc lại trở thành yếu tố chính trong việc điều trị một số chứng rối loạn tâm thần. Những bệnh nhân không thể tiếp cận được thông qua lời nói sẽ phản ứng với âm nhạc. Kiến thức này đã dẫn đến một thí nghiệm ở một viện nghiên cứu tâm thần: khi nhạc diễu hành được truyền vào khu vực qua loa, người ta phát hiện ra rằng bệnh nhân đã dọn dẹp khu vực của họ trong một nửa thời gian. Nhiều người được nhìn thấy đang dậm chân, lắc lư cơ thể và gật đầu. Những phản ứng như vậy, được gọi là phản xạ đồi thị, đã trở thành nền tảng cho liệu pháp âm nhạc, mà về bản chất, đó là một nghiên cứu về tác động của âm nhạc lên hành vi. Sau đó hãy tưởng tượng những gì bạn trải qua trong một buổi thực hành thông thường. Do đó, sẽ hợp lý khi kết luận rằng phản ứng cảm xúc của bạn đối với âm nhạc có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hành vi của bạn. Ngay cả sự lựa chọn tiết mục của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của bạn. Ví dụ, quá nhiều đoạn nhạc nhanh, ồn ào sẽ có xu hướng khiến bạn bị kích động về mặt cảm xúc; mặt khác, ưu thế của những tác phẩm chậm rãi, nội tâm sẽ tạo ra tác dụng ngược lại. Đối với âm nhạc - giống như cuộc sống, bạn cần phải liên tục thích nghi với mọi loại nhịp độ và mọi sắc thái cảm xúc. Chính trong lĩnh vực này, việc luyện tập có thể mang lại sự trợ giúp vô cùng lớn cho bạn, vì một buổi biểu diễn âm nhạc thực sự đòi hỏi khả năng thích ứng và kiểm soát có ý thức của bạn với vô số nhịp điệu và cảm xúc tinh tế.

 Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong luyện tập là khả năng kiểm soát mức độ căng thẳng của bạn và do đó thể hiện qua ngón tay của bạn một nhịp độ cụ thể và cảm giác do nhịp độ đó tạo ra. Ví dụ, một cảm giác đam mê gây ra sự căng thẳng thích hợp trong cơ thể bạn. Nhưng nếu sự căng thẳng này vượt quá tầm kiểm soát của bạn thì niềm đam mê mà bạn cảm thấy sẽ không thể được thể hiện. Tương tự như vậy, chơi nhanh đòi hỏi một mức độ căng thẳng mà nếu được phép vượt quá giới hạn tối ưu thì thực sự có thể cản trở tốc độ. Trước khi thảo luận về cách thực hiện việc kiểm soát có ý thức đối với cơ bắp của bạn đối với các nhịp độ khác nhau, chúng ta hãy tham khảo ý kiến của các nhà soạn nhạc vĩ đại về chủ đề này.

 NHANH NHƯ THẾ NÀO LÀ NHANH? CHẬM LÀ CHẬM NHƯ THẾ NÀO?

 Kể từ khi các nhà soạn nhạc bắt đầu viết các chỉ dẫn về nhịp độ trong bản nhạc của họ, allegro đã trở nên có nghĩa là chơi nhanh. Khi nhìn thấy ghi allegro ở phần đầu của một bản sonata của Beethoven, bạn có quyền hỏi, "Allegro nhanh đến mức nào?" Chính Beethoven đã suy nghĩ về câu hỏi này. Trên thực tế, vào năm 1817, ông đã viết một lá thư cho Ignaz von Mosel, một nhà phê bình âm nhạc ở Vienna, bày tỏ sự bất bình "đối với những thuật ngữ chỉ thước đo thời gian được truyền lại cho chúng ta khi âm nhạc vẫn còn trong thời đại mọi rợ. Chẳng hạn, điều gì có thể vô nghĩa hơn Allegro, mà chắc chắn có nghĩa là vui vẻ.''16 Việc Beethoven miễn cưỡng giới hạn bản thân mình trong một nhịp độ cố định được minh họa rõ hơn qua sự việc sau đây, Ferdinand Ries, học trò của Beethoven, đã mua bản sao các bản giao hưởng của các bậc thầy của mình ở Luân Đôn. Sau đó Ries đã viết thư cho Beethoven nhờ ông viết nhịp độ cho các chương khác nhau.  Chờ quá lâu mà không thấy phản hồi của Beethoven, ông gửi cho Beethoven một bức thư khác. Sau đó, hai bản sao có viết nhịp độ đã đến - hai bản hoàn toàn khác nhau! Sau này, khi Ries trình bày sự khác biệt này với Beethoven, nhà soạn nhạc vĩ đại đã thốt lên: "Chúng ta đừng nên có bất kỳ số đếm nhịp nào cả!"17

 Brahms cũng miễn cưỡng cung cấp các ký hiệu nhịp độ cho bản Intermezzi của mình. Ông thốt lên “Bạn có nghĩ tôi là một kẻ ngốc không khi chơi bản nhạc đó theo cùng một cách mỗi ngày?”18 Suy luận ra là mỗi cảm xúc gợi ý một nhịp độ cụ thể. Sau đó, sự thay đổi tâm trạng hàng ngày sẽ khiến Brahms chơi bản Intermezzi của mình ở nhịp độ khác nhau. Đó là lý do tại sao hầu hết các nhà soạn nhạc đều từ chối bị giới hạn trong các dấu hiệu nhịp độ vốn ấn định nhịp độ bó buộc cho mọi người. Trên thực tế, như chúng ta đã thấy, họ thường thay đổi suy nghĩ của mình về chỉ dẫn nhịp độ. Và vì mỗi người có một khuynh hướng thể chất và cảm xúc khác nhau, nên có thể hiểu tại sao chỉ dẫn nhịp độ hoặc số đếm nhịp độ không nên được hiểu một cách máy móc trừ khi, tất nhiên, nó phù hợp với tính khí của bạn. Các nhà soạn nhạc ở thế kỷ XX đã cởi mở và thực tế về nhịp độ. Theo đó, họ sử dụng thuật ngữ "khoảng" (viết tắt, ca.), có nghĩa là "khoảng" hoặc "xấp xỉ" để xác định các chỉ dẫn nhịp độ.

Mặt khác, việc chơi hòa tấu đòi hỏi nhịp độ phải được thống nhất giữa các nghệ sĩ. Nghĩa là, người có vai trò bắt đầu một tác phẩm hoà nhạc thính phòng được các nghệ sĩ chơi trong dàn nhạc trông chờ thiết lập cái mà tôi gọi là máy đếm nhịp tuyệt đối. Như vậy, một nhịp độ cụ thể thực sự có thể được ghi nhớ. Đây là một bài kiểm tra kỷ luật tốt để xem liệu bạn có thể ghi nhớ nhịp độ và lặp lại nó mỗi khi bạn chơi hay không, hoặc ít nhất là đạt được nó.

Hãy thử những điều sau:

1. Đến bên cây đàn piano và xác định nhịp độ của riêng bạn cho bản nhạc bạn đang tập. Ghi nhịp độ ở phần đầu của tác phẩm.

2. Hôm sau, bạn hãy chơi bản nhạc không dùng máy đếm nhịp và cố gắng nhớ lại nhịp độ của ngày hôm trước. Hãy tự kiểm tra máy đếm nhịp khi bạn chơi xong để xem nhịp độ của bạn có phù hợp với nó không. Nếu chưa đạt, hãy tiếp tục cố gắng. Với sự kiên nhẫn, cuối cùng bạn sẽ tiến gần đến việc ghi nhớ nhịp độ của mình. Sau khi bạn đã nắm vững kỷ luật này, bạn có quyền thay đổi quyết định của mình.

 Khả năng ước tính nhịp độ của riêng bạn đảm bảo khả năng kiểm soát tốt hơn trong buổi biểu diễn. Sự lo lắng có thể khiến bạn tập luyện quá nhanh; ngón tay của bạn, được huấn luyện để hoạt động tốt nhất ở M õ = 116, có thể hoạt động kém hiệu quả ở nhịp độ M õ = 126. Ngược lại, bạn có thể thận trọng quá mức và cuối cùng chơi quá chậm. Do đó, trừ khi bạn ghi nhớ nhịp độ, bạn có thể không duy trì được nhịp điệu ổn định cần thiết để có một màn trình diễn thuyết phục. Thành tựu cuối cùng của bạn sẽ là khả năng tận dụng cảm giác thăng hoa đó trong khi biểu diễn và chơi nhanh hơn đối với allegros hoặc chậm hơn đối với adagios một cách có ý thức. Sự linh hoạt về nhịp độ và nhịp điệu này là một trong những tố chất của một nghệ sĩ thực thụ.

 Trên thực tế, mọi hoạt động trong cuộc sống đều cần một nhịp độ vừa mang tính cá nhân vừa mang tính chức năng. Ví dụ, một số người đọc nhanh mà không mất đi khả năng hiểu. Mặt khác, tôi có xu hướng nghiền ngẫm những gì tôi tình cờ đọc được. Do đó, tôi phải mất một thời gian tương đối dài để hoàn thành một cuốn sách trung bình. Đôi khi, như trường hợp của Học trò số IV, chúng ta có thể hoạt động nhanh hơn chúng ta nghĩ. Tuy nhiên, nói chung, sẽ không khôn ngoan nếu chơi nhanh hơn khả năng kỹ thuật của bạn cho phép. Mặc dù Học trò số IV thực sự đã sẵn sàng chơi nhanh hơn, nhưng một nghệ sĩ piano khác có thể chưa được trang bị đầy đủ về mặt kỹ thuật để chơi nhanh như vậy. Tôi từng có một học trò có nhịp độ luôn vượt quá khả năng chơi nhạc của em. Mối quan tâm chính của tôi là thuyết phục em rằng em chơi rất hay với nhịp độ của riêng mình - nhịp độ chậm hơn của tôi. Nhưng là một học trò tận tâm, em cảm thấy mình phải tuân thủ một cách cẩn thận từng chỉ dẫn đếm nhịp. Tôi phải liên tục nhắc nhở em rằng những con số này chỉ là những hướng dẫn mà em có thể dao động tùy theo năng lực của mình. Cuối cùng, lời khuyên tốt nhất tôi có thể dành cho em là: “Khi chơi với nhịp độ phù hợp, thông điệp của em sẽ rõ ràng”.

 Sự quan tâm của chúng ta dành cho người khác thúc đẩy chúng ta đánh giá lại nhịp độ hoạt động của mình - cả về mặt âm nhạc lẫn cá nhân. Ví dụ, nếu sự lo lắng khiến bạn vội vàng khi biểu diễn, thì chính sự quan tâm của bạn đến âm nhạc và khán giả sẽ giúp bạn thực hiện bất kỳ biện pháp cần thiết nào để kiểm soát. Vì vậy, một giảng viên nói quá nhanh có thể tỏ ra ít quan tâm đến khán giả của mình cũng giống như một nghệ sĩ piano chơi quá nhanh vậy. Ngay cả một hoạt động thường ngày như đi bộ cũng có thể kiểm tra độ nhạy cảm của bạn. Tôi thích đi bộ khá nhanh, nhưng tôi điều chỉnh tốc độ của mình khi đi bộ với một người bạn có nhịp độ chậm hơn tôi.

  (Còn nữa)

 

Next
Next

Trên những phím đàn piano